Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị dân là ai giữa dòng chảy văn hóa Hà Nội?

Phạm Hoàng Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị dân là những người năng động, nhạy cảm, luôn khao khát làm những việc mới, không bằng lòng với những lối mòn. Đòi hỏi công việc cũng hình thành nên một nếp tư duy mới. Nhưng không phải ai sống ở Hà Nội cũng đều được gọi là thị dân.

1. Trước hết phải nói ngay đây không phải là một nghiên cứu về một vấn đề hấp dẫn nhưng cần một sự khảo cứu công phu mới có thể đưa ra những nhận định tin cậy, gần với thực tiễn. Nhưng nói gì thì nói, muốn viết về thị dân và văn hóa thị dân thì không thể không nói tới vận động, biến đổi trong dòng chảy lịch sử văn hóa của Hà Nội.
Vấn đề đầu tiên phải trả lời là ai là thị dân? Thị dân chắc chắn phải là những người sinh sống ở thành thị, là dân thành thị vì bản thân từ “thị dân” (người dân ở phố, dân TP) đã mang ý nghĩa này.
Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Nhưng, hai từ thị dân lại cũng không phải mọi người sống ở thành thị đều là thị dân và mang những đặc trưng của văn hóa thị dân mà chúng ta hay nói đến bởi một lẽ giản đơn, thị dân chỉ là một tập hợp người có nhiều nét giống nhau về công việc, nghề nghiệp, truyền thống, nền nếp tổ chức gia đình, có những quy tắc ứng xử đã trở thành “nếp nhà”, truyền thống văn hóa mang những đặc điểm chung nhất của họ. Vậy, có nhiều người sống ở thành thị nhưng không tham gia hoặc không để lại dấu ấn trong cái được gọi là truyền thống thị dân, đặc tính thị dân bởi họ là những chủ nhân đích thực của truyền thống ấy.
Lâu nay chúng ta hay quả quyết rằng văn hóa thuộc về Nhân dân, do Nhân dân sáng tạo ra nhưng lại không nói đầy đủ và cặn kẽ những gì thuộc về Nhân dân như một truyền thống, một giá trị, thành tài sản cho đời sau lại chỉ do một bộ phận tinh hoa nhất trong Nhân dân tạo ra, chứ không phải là tất cả. Với thị dân và văn hóa thị dân cũng vậy thôi.
Đó là chưa nói thị dân và văn hóa thị dân ở vào giai đoạn mới hình thành đô thị khác với những thị dân và văn hóa thị dân ở giai đoạn sau, khi đô thị ấy đã trở thành một đô thị hiện đại, thành nơi tụ cư của rất nhiều những thành phần cư dân khác nhau như giai đoạn hiện nay, cũng không giống như đô thị mới hình thành theo kiểu đang từ nông dân với văn hóa làng xã sau một quyết định hành chính của nhà cầm quyền “được” trở thành công dân đô thị nhưng họ chưa có bao nhiêu hành trang để “biến thành người khác”, được khoác một cái áo văn hóa khác - văn hóa đô thị, nên văn hóa của họ pha trộn nhiều thứ, trong đó yếu tố văn hóa thị dân truyền thống rất nhạt nhòa, thậm chí xa lạ với họ. Họ là cư dân đô thị nhưng một mặt chưa gột rửa hết dấu ấn văn hóa của những tiểu vùng văn hóa vốn có hoặc văn hóa làng xã - không hoàn toàn phù hợp với văn hóa đô thị, và cũng chưa nhập được vào văn hóa đô thị khá mới mẻ với họ.
Công dân ở những đô thị mới này trở thành thị dân - người sống ở đô thị, không phải vì nhu cầu tự thân về nghề nghiệp mà họ trở thành thị dân bằng tài sản của họ, bằng tiền mua chung cư và nơi ở của họ đúng nghĩa chỉ là nơi sống sau những giờ làm việc ở môi trường khác. Ngoài quan hệ ở cùng một khu vực sinh tồn ra, họ rất ít có quan hệ khác.
Yếu tố gắn kết cộng đồng ở đây rất mờ nhạt. Và văn hóa cộng đồng ở đô thị mới mang tính pha tạp rất rõ, nó chưa định hình như những gì nảy sinh do nhu cầu cộng sinh bền vững trong quá khứ.
2. Thời xuất hiện của thị dân ở ta là thời kỳ hình thành nên các đô thị và đời sống đô thị, nghĩa là những người ở đô thị không sống bằng các phương thức canh tác nông nghiệp mà chủ yếu họ làm các nghề phi nông nghiệp và buôn bán. Cũng không phải ai làm nghề này cũng đều thành thị dân nhưng phần lớn những người này đã hình thành nên một tầng lớp dân cư mới, có nền nếp sinh hoạt mới do đặc trưng công việc, quan hệ và hình thành nên nhân cách thị dân rồi dần dần trở thành văn hóa thị dân.
Về cơ bản, thị dân là những người năng động, nhạy cảm, luôn khao khát làm những việc mới, không bằng lòng với những lối mòn. Đòi hỏi công việc cũng hình thành nên một nếp tư duy mới. Họ sáng tạo trong tư duy và cũng thực dụng trong làm ăn. Tuy câu nói buôn có bạn, bán có phường như là để nói về loại công việc cần sự phối hợp, hợp tác, liên kết mang tính tập thể của lớp cư dân mới này nhưng những thị dân - những ông chủ, bà chủ, những người sản xuất, kinh doanh và làm nghề không kinh doanh (thầy thuốc, thầy giáo, thợ thủ công…) lại dựa vào năng lực cá nhân, hoạt động cá nhân mà xây dựng nên sự nghiệp của gia đình, dòng họ, phường nghề. Trải qua năm tháng lao động có tổ chức chặt chẽ, có sáng tạo… hình thành nên những gia đình, nhóm người thân như một đơn vị sản xuất, đơn vị nghề nghiệp, đơn vị giáo dục, đơn vị kinh doanh… mà, do thực tiễn đem lại những bài học quý, họ rất coi trọng chữ tín trong làm ăn, rất coi trọng lương tâm nghề nghiệp và mong muốn nghề và nghiệp của mình được nối tiếp, mở rộng cho con cháu sau này. Từ những chắt chiu ấy cả trong công việc, trong xây dựng nếp nhà, họ tạo ra những giá trị văn hóa, lan tỏa ra xã hội, được xã hội thừa nhận.
Không ít trong số họ trở thành những nhà tư sản, trí thức, doanh nhân, thành tầng lớp trung lưu và những người xuất sắc nhất trở thành tinh hoa của xã hội. Những giá trị này do tự tay họ xây dựng, được kiểm nghiệm qua thực tiễn va đập của quá trình mưu sinh, được sàng lọc, trở thành tài sản tinh thần không chỉ của cá nhân, gia đình họ mà của cả tầng lớp ấy và của thời đại. Con cái, người thân của họ, chịu ảnh hưởng những giáo dục và nền nếp tốt đẹp ấy lại tiếp tục mở rộng truyền thống này.
Và như là sự phát triển tự nhiên, nhiều thành viên của tầng lớp thị dân đã vượt ra ngoài giới hạn của tầng lớp mình, trở thành tinh hoa của cộng đồng, đất nước và hiển nhiên, không thể coi họ như là thành viên của tầng lớp thị dân nhưng họ có nhiều ràng buộc với tầng lớp thị dân. Văn hóa thị dân, là điều có thực. Tiếc rằng một thời gian khá dài, do cách nhìn bị ràng buộc bởi những định kiến, xã hội đã không coi trọng những yếu tố này, ngược lại lại thổi phồng những mặt tiêu cực của văn hóa thị dân như thói thực dụng, tư tưởng giấu nghề, coi trọng giá trị vật chất và lợi ích cá nhân…
3.Thị dân thường lựa chọn địa bàn và công việc gần nhau. Nếu nhìn từ góc nhìn văn hóa và kinh tế sẽ thấy họ chọn môi trường sống và môi trường làm việc. Ở Hà Nội trước đây khu vực 36 phố phường là khu vực quần cư của các hiệp hội làng nghề thủ công - những cư dân đô thị đầu tiên, tiến tới hình thành tầng lớp thị dân của Hà Nội. Nhưng Hà Nội ngày ấy và Hà Nội bây giờ rất khác nhau, tầng lớp thị dân và cư dân ở khu vực ấy cũng khác rất xa với các quận trẻ, mới khác của Hà Nội, bởi công việc, nghề nghiệp của cư dân và nguồn gốc cư dân các vùng ấy khác nhau.
Tính chất pha trộn về nguồn gốc, công việc, trình độ, nếp sống… rất khác nhau. Cư dân ở đó bây giờ chỉ có một số lượng rất ít các “thị dân” đúng nghĩa còn các thị dân bây giờ ở đó cũng khá xa nhau về ý thức công việc, thái độ nghề nghiệp, sự gắn bó với nhau do tính chất công việc họ đang làm. Ở những phố chính, các gia đình Hà Nội vẫn giữ những nghề kinh doanh truyền thống thì chất thị dân xưa vẫn còn tuy ít nhiều đã có biến đổi.
Cái nghiêm cẩn, nền nếp, cổ kính… đang nhạt dần nhường chỗ cho thái độ hợp tác mới nhưng dường như hối hả, gấp gáp và sòng phẳng hơn. Áp lực của điều kiện sống mới đã làm biến đổi truyền thống văn hóa gia đình của họ. Đó là không kể rất nhiều những cư dân ở đây đã không hành nghề của ông cha nên nếp nghĩ, nếp sống dường như không còn bao nhiêu bóng dáng của “truyền thống thị dân”.
Trong số những cái mất đi này, có cả những điều tử tế và cả những thứ không còn phù hợp. Trong sự pha trộn, dung hợp của “văn hóa phố cổ đời mới” có những giá trị cũ vẫn còn giữ được nhưng đã mang áo khoác mới nhưng có không ít điều tử tế đã mai một. Điều thấy rõ nhất là chất tinh hoa trong văn hóa thị dân đang nhạt nhòa dần. Đó là một điều đáng
tiếc.Theo tôi, không thể hy vọng vào sự khôi phục một tầng lớp thị dân và văn hóa thị dân như xưa nay ta vẫn quan niệm vì những điều kiện lịch sử để hình thành nó không còn nữa. Nhưng với tôi, văn hóa thị dân vẫn đọng lại những điều tốt đẹp, cần phát huy dù vẫn biết rằng trong đó có những thứ không hợp với mình.

Chờ thêm thời gian cho xu hướng nhập cư, dịch cư dịu xuốn

"Ở những khu đô thị mới thì tính chất “tứ chiếng” đặc biệt rõ. Trong một bài viết cách đây dăm năm, tôi có viết đùa “Hà Nội đang trở thành nhà quê của cán bộ và những người có tiền các địa phương ngoài Hà Nội” vì hầu hết họ đều nghĩ tới chuyện mua nhà cho con cái học tập, làm việc ở và sau này khi nghỉ hưu, họ có chỗ vui hưởng tuổi già. Đó là một nguyện vọng chính đáng.

Ở những khu tập thể mới, chất lượng người tốt (vì phần lớn là những người có học, là cán bộ nhà nước hoặc doanh nhân) nhưng nơi ở của họ cũng giống như các phòng nghỉ trong khách sạn.

Tính cộng đồng, giao thoa văn hóa rất ít. Còn ở các làng giáp ranh giữa nội và ngoại thành vài chục năm trước thì sau khi thành phường, đất đai trở thành tài sản lớn, những cư dân cũ bán bớt diện tích để lấy tiền đầu tư cho những nhu cầu khác nên tình trạng xôi đỗ giữa dân bản địa và dân ngụ cư là tình trạng phổ biến.

Những cư dân ở đây cũng là cư dân ở đô thị nhưng họ không phải là thị dân và văn hóa thị dân cũng không phải là những gì thuộc về họ. Nó pha trộn giữa văn hóa làng ven đô chuyển thành “văn hóa đô thị thời mở cửa”, nghĩa là vẫn níu giữ một số yếu tố của văn hóa bản địa đồng thời phải chấp nhận những yếu tố mới khác với họ do những cư dân mới đem lại, nghĩa là vừa có xung đột, vừa có thỏa hiệp.

Phải trải qua vài thập niên nữa, khi xu hướng dịch cư, nhập cư dịu xuống, khi những bèo bọt nhất thời nổi lên, tưởng là mới lạ nhưng thực ra không có ý nghĩa gì tan đi, người ta lại mới tiếp tục củng cố và xây dựng những giá trị mới trong những quan hệ xã hội mới. Nghĩa là cần đủ cả về thời gian và hiểu biết để những người cũ và những người mới nhận thấy sự cần thiết để dựa vào nhau thì mới hình thành những nét mới trong văn hóa đô thị ở những tiểu khu vực này" - Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội PGS.TS Phạm Quang Long  (Lan Ngọc ghi)


"Để Hà Nội là TP văn minh, ngày 29/3/1892, Đốc lý Hà Nội ra nghị định về vệ sinh công cộng và trật tự lục lộ, theo điều 2 của Nghị định, các nhà mặt phố phải vệ sinh trước cửa nhà, khơi thông cống rãnh cho nước chảy, không được tiểu bậy. Xe ngựa đi trên phố phải có miếng vải đỡ phân phía sau, không được chăn thả gia súc, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt "theo Luật Hình sự của nước Pháp". Cùng với Nghị định, TP thành lập Cảnh sát lục lộ hằng ngày đi tuần xử phạt người vi phạm... " - Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến

viết trong “Tường đè một thuở”