Thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh: Đánh giá kỹ lưỡng những yếu tố tác động

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số ĐVHC cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến 2030 vừa được Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính (ĐVHC) và phân loại ĐVHC ra lấy ý kiến Nhân dân.

Theo các chuyên gia, chủ trương này rất phù hợp yêu cầu mới trong phát triển, song cần cân nhắc rất kỹ, nhất là đối với các ĐVHC cấp tỉnh, khi thời gian qua việc thực hiện Nghị quyết này đạt kết quả khá khiêm tốn.
 Ảnh minh họa
Sáp nhập một số tỉnh chưa đạt 50% tiêu chí diện tích, dân số

Trong Dự thảo lần này, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC phù hợp từng loại hình, đặc biệt những ĐVHC đô thị, nơi có yếu tố đặc thù về AN-QP, miền núi, vùng cao. Theo đó, đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn của TP thuộc TP, gồm các tiêu chuẩn quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số ĐVHC cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển KT-XH theo hướng có phân biệt cao hơn các đô thị cấp huyện khác. Cụ thể, như quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150 km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%).

Ngoài ra, sắp xếp còn căn cứ trình độ phát triển đô thị từ loại II trở lên, cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH đạt tiêu chuẩn quy định cụ thể. Sửa đổi quy định tiêu chuẩn quy mô dân số TP thuộc tỉnh, thị xã, quận theo hướng tăng tiêu chuẩn này; sửa đổi quy định tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã từ 100km2 trở lên; sửa đổi tiêu chuẩn ĐVHC ở hải đảo theo hướng làm rõ tiêu chuẩn về loại đô thị khi thành lập ĐVHC đô thị ở hải đảo... Bộ lưu ý, không thực hiện chia ĐVHC các cấp, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, QP-AN do Chính phủ trình Quốc hội, UBTV Quốc hội quyết định.

Trên cơ sở các đề xuất trên, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số ĐVHC cấp tỉnh giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030. Trong đó, từ 2022-2026 thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và làm điểm sắp xếp một số ĐVHC cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Trong đó, một số ĐVHC cấp tỉnh được chọn thí điểm sắp xếp có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ QP-AN (các tỉnh làm điểm sẽ trình T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội, xem xét cụ thể).

Dự kiến tháng 9/2021, Bộ xây dựng Đề án thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thực hiện làm điểm sắp xếp một số ĐVHC cấp tỉnh trong các năm 2022 - 2026 định hướng đến 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng; trong quý 4/2021 trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư xem xét thông qua Đề án. Sau khi Đề án được thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị quyết về thực hiện Đề án trình Quốc hội, UBTV Quốc hội xem xét, ban hành.

Phình ra dễ, thu lại mới khó

Theo các chuyên gia, đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển, cũng chính sự kết nối thực hiện Nghị quyết của T.Ư về sắp xếp lại các ĐVHC trước kia đã làm đến 3 cấp gồm thôn tổ, xã phường, quận huyện rồi.

Phân tích cụ thể hơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, thực tế quá trình triển khai sáp nhập 2 năm qua cho thấy chỉ mới thuận lợi với cấp thôn, tổ dân phố; với cấp huyện thậm chí với cấp xã vẫn nhiều khó khăn, kết quả rất khiêm tốn. Giờ triển khai lên đến cấp tỉnh sẽ càng khó bội phần, nhất là khi chúng ta thực hiện tách một số tỉnh chưa được bao lâu, do đó cần cân nhắc, đánh giá rất thận trọng về những cái được và chưa được từ giai đoạn trước. “Đúng là cần sắp xếp lại vì nhiều ĐVHC cấp tỉnh rất ít dân, như Bắc Kạn hơn 500.000 người, chưa bằng 1 quận ở đô thị, hay Bắc Ninh chưa đủ 1 triệu người. Tuy nhiên, cần thấy rằng số ĐVHC sáp nhập cấp xã mới được rất ít, cấp huyện càng ít và với cấp tỉnh càng nên cân nhắc rất kỹ kết quả tách, nhập ĐVHC cách đây mới trên dưới 20 năm (như tách Phú Thọ khỏi Vĩnh Phú, Hà Tĩnh khỏi Nghệ An…). Cần thẳng thắn nhìn nhận việc sáp nhập tới đây có phải vì sự phát triển, hiện chúng ta có khả năng quản lý tốt hơn không? Trước kia đã có tình trạng sau khi nhập vào xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng, sức quản lý không đủ đáp ứng, nên lại phải tách ra. Hoặc như phải tách Thái Nguyên và Bắc Kạn vì quy mô lớn quá” - ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Theo chuyên gia này, quy mô dân số và diện tích tự nhiên đúng là 2 tiêu chí quan trọng nhất để sắp xếp, song cũng cần xét thêm điều kiện tự nhiên, yếu tố văn hóa vùng miền… Hoặc có nơi dân số ít nhưng diện tích tự nhiên lại rất lớn, cũng phải tính đến bài toán quản lý. Thực tế trước đây, tỉnh Hoàng Liên Sơn do gộp 3 tỉnh khiến diện tích quá rộng, không quản lý được nên lại phải tách ra; Bắc Thái có diện tích rất nhỏ nhưng dân số rất đông, quản lý kém, nên cũng phải tách thành Thái Nguyên và Bắc Kạn... Hay một số tỉnh vùng Tây Nguyên, nhập vào sẽ lại quá rộng khiến việc quản lý có khó khăn hơn không? Nhất là các tỉnh miền núi vùng biên cương, nếu nhập vào thì quản lý khó, càng phải tính kỹ. Đồng quan điểm này, nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An cũng bày tỏ, cần đánh giá lại cụ thể đề án cũ về tác động xã hội, hiệu quả kinh tế. Nếu chỉ để quản lý ĐVHC, vẫn căn cứ vào tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên, nhưng cần chú ý tới phương thức quản trị mới hiện nay là bằng Chính phủ điện tử, công nghệ số, có thể đáp ứng yêu cầu "kéo ngắn khoảng cách địa lý". Cùng với đó, rất cần xem xét toàn diện đến cả yếu tố, chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về kinh tế của ĐVHC. “Chỉ tiêu này sẽ quyết định ĐVHC đó có thể tồn tại được hay không. Đó là các con số về thu - chi, đóng góp ngân sách... của ĐVHC đó cho đất nước. Cần nghiên cứu rất căn cơ mọi mặt rồi mới quyết định thực hiện, vì phình ra thì dễ nhưng thu lại mới khó”- bà Bùi Thị An góp ý.

Mấu chốt là công tác cán bộ

Các chuyên gia đều khẳng định, trong thực hiện sắp xếp ĐVHC tới đây, ý tưởng đã tốt, mục tiêu đã rõ, lộ trình giải pháp đã đặt ra cần làm đến nơi đến chốn và nghiên cứu kỹ trước khi trình. Nếu làm được như mục tiêu đặt ra là rất tốt, bởi tiền ngân sách tiêu vào bộ máy đã quá lớn mà hiệu quả chưa cao. Song, để triển khai được thì việc đầu tiên là phải làm cho mọi cán bộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài nhất là đội ngũ lãnh đạo các cấp phải thông suốt.

“Thu gọn bộ máy lại tức là thu gọn “ghế”. Thực tế đã cho thấy, tách thì rất dễ nhưng nhập mới khó, kể cả ở sở, ngành hay tỉnh, TP. Nên, cần thông suốt ngay từ nội bộ, nhất là đội ngũ cán bộ”- bà Bùi Thị An bày tỏ.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Nghị quyết của UBTV Quốc hội đã là một cơ sở pháp lý, đã có quyết tâm, chỉ đạo mạnh nhưng thời gian qua triển khai còn nhiều hạn chế, cần đánh giá cả lý do khách quan, chủ quan. “Mấu chốt quyết định thành công là sự chỉ đạo, là công tác cán bộ. Cần cân nhắc trước khi ra chủ trương, và khi đã có nghị quyết rồi thì phải làm bằng được, cả hệ thống chính trị vào cuộc và làm tốt công tác tư tưởng, lựa chọn cán bộ. Ai không làm, lừng chừng hoặc tư tưởng cục bộ thì phải có biện pháp thay thế. Nếu thấy có khó khăn khách quan thì tháo gỡ, thấy chưa hợp lý thì cũng xem xét, không thể cứ áp đặt một cách chủ quan”- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị.

Cũng theo chuyên gia này, việc sáp nhất Hà Nội và Hà Tây cách đây hơn 10 năm trước cũng "vấp" phải sự phản đối, nhưng đến giờ cho thấy cơ bản đã ổn định, phát triển tốt hơn, nên chúng ta có thể coi đó là một bài học kinh nghiệm.

“Nâng 2 tiêu chí cơ bản là quy mô dân số, diện tích tự nhiên lên mức cao hơn để xét tiêu chuẩn ĐVHC là đúng, nhưng cần đặt trong tình hình Việt Nam hiện nay. Dù so với các nước thì dân số ở mỗi tỉnh tại nước ta quá ít, như 1 tỉnh ở Trung Quốc đều có 50 triệu dân trở lên, có tỉnh như Quảng Châu, Quảng Đông gần bằng cả nước mình, nhưng vẫn phải tính toán kỹ, vì điều kiện ở 2 nước khác nhau”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Theo Bộ Nội vụ, trong 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, đặc biệt sau hơn 2 năm (2019 - 2021) thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, kết quả nổi bật là đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng ĐVHC, bước đầu giảm được 8 ĐVHC cấp huyện (từ 713 còn 705), giảm 563 ĐVHC cấp xã (từ 11.162 còn 10.599) so với năm 2016. Tuy nhiên, một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chưa quyết tâm sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, nên tiến độ chậm so với kế hoạch. Nhất là số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp chưa đạt yêu cầu, nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương mới sắp xếp được 9/15 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Nhiều ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần