Nhận thấy rõ vai trò, ý nghĩa của công tác thi đua đối với sự nghiệp cách mạng và kiến thiết đất nước, 70 năm trước vào ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Nhìn lại, lịch sử 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Ðảng, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Đó là phong trào thi đua đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, sở, ngành nào, cấp nào cũng có những phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, đơn vị. Từ lao động, sáng tạo, dạy và học, bảo vệ an ninh, đến vì người nghèo, giúp nhau làm kinh tế… Trên khắp các công trình, đơn vị, DN, tổ chức, đến khắp các vùng miền..., rất nhiều tấm gương điển hình đã xuất hiện từ phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, từ những người nông dân dám nghĩ dám làm, những giáo viên hết lòng vì học sinh, đến những trí thức không ngừng sáng tạo, những cán bộ kiểu mẫu của dân… Những tấm gương ấy có thể rất bình dị trong đời sống, nhưng việc làm của họ lại cao quý và được xã hội trân trọng tôn vinh. Họ là những người đã cống hiến tài năng, công sức, trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, làm lợi cho cộng đồng, giúp ích cho xã hội. Đúng như lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, người yêu nước thì phải thi đua” và họ đã làm lan tỏa tình yêu với quê hương, đất nước trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong 70 năm qua, các phong trào thi đua dù đều cơ bản gắn với những mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức một cách sáng tạo. Mỗi giai đoạn của phong trào thi đua, với hàng nghìn tấm gương đã được tôn vinh, lại tiếp tục mở ra một giai đoạn mới, có cả những phong trào thi đua mới. Và mỗi phong trào thi đua đều góp phần khơi dậy niềm tự hào của cá nhân, tập thể trong xây dựng, phát triển đất nước. Hay nói khác đi, thi đua không chỉ là hình thức, mà tự thân có sức sống, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính sát thực, hiệu quả hơn. Thi đua đã mang lại cả “danh” và “lợi” cho người lao động theo đúng tư tưởng thi đua của Bác Hồ và tạo động lực, sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện.
Cùng với các phong trào thi đua đang nở rộ trên cả nước, những năm qua với vị trí là Thủ đô của cả nước, phong trào thi đua của TP Hà Nội cũng đã phát triển lên tầm cao mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: Từ phong trào thi đua người tốt – việc tốt của Thủ đô đã xuất hiện hàng vạn tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh nhân rộng. Các phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội cũng ngày càng đa dạng phong phú và đi vào chiều sâu, thực chất, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại. Kỷ niệm 70 năm Ngày thi đua ái quốc cũng là dịp để Hà Nội và cả nước đánh giá, nhìn nhận kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục mở ra một giai đoạn mới của phong trào thi đua yêu nước. Những hạn chế sẽ được khắc phục, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, nhằm đưa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng lên một tầm cao mới. Trong đó, thi đua để gắn với sự sáng tạo, phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… Thi đua là biện pháp quan trọng, thúc đẩy phong trào cách mạng của các tầng lớp Nhân dân. “Những hạt giống đỏ” nảy mầm từ các phong trào thi đua sẽ tạo động lực cho mọi mặt của đời sống phát triển đi lên không ngừng. Và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời dạy của Người về thi đua yêu nước mãi luôn là kim chỉ nam soi sáng, chỉ đường cho công tác thi đua, khen thưởng thời kỳ CNH – HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
KT&ĐT