Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi hành án còn bất cập

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực thi công tác thi hành án dân sự (THADS) và thi hành án hình sự (THAHS) trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập.

Có những đối tượng liên tục mang thai, nuôi con nhỏ để trốn vào tù, hay trường hợp số tiền phải THA lớn, nhưng điều kiện của người phải THA không đáp ứng.
Liên tục có bầu để trốn tù

Một trong những bất cập của công tác THAHS trên địa bàn TP Hà Nội là hạn chế trong công tác quản lý, theo dõi án phạt tù khi đưa về địa phương. Ông Lê Đức Bính - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, ở một số địa phương, những đối tượng bị phạt án treo, bị giáo dục cải tạo không giam giữ không được thực hiện, hoặc thực hiện sơ sài. Thậm chí, có những đối tượng tuy đang trong thời gian cải tạo giáo dục còn phạm thêm tội.

Kết quả THADS 6 tháng (từ đầu tháng 10/2017 đến hết tháng 3/2018, Cục THADS TP Hà Nội đã giải quyết xong 405 việc, đạt tỷ lệ gần 44%, về tiền đã giải quyết xong 178 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như kết quả THADS còn thấp; tổ chỉ đạo án tín dụng ngân hàng hoạt động còn chưa hiệu quả.

Tại một số quận, huyện, có một số đối tượng có quyết định THA phạt tù, nhưng không tự giác THA. Theo lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì, ở địa phương có đối tượng liên tục sinh con để trốn THA, nhưng hiện đang thiếu quy định, chế tài xử lý. Điển hình là Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1976, ở Ngọc Hồi) can tội môi giới mại dâm, án phạt tù từ năm 2013. Tuy nhiên, đối tượng đã được hoãn 2 lần THA vì lý do nuôi con nhỏ, khi con đủ 36 tháng tuổi thì bỏ trốn, đến khi trở về lại tiếp tục mang thai. Hiện nay, đối tượng lại tiếp tục có bầu nên không thể THA.

Giải quyết dứt điểm các vụ việc có giá trị lớn

Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến cho hay, có những án liên quan đến kinh doanh thương mại, việc đấu giá phải giảm đến 20 lần, nhưng vẫn không có người mua. Thực tế, có nhiều vụ án tham nhũng hoặc án tín dụng ngân hàng, số tiền phải THA rất lớn, nhưng điều kiện của người phải THA rất nhỏ. Pháp luật quy định các vụ việc như vậy, cơ quan THADS vẫn phải đưa vào những việc có điều kiện thi hành. “Tại Hà Nội có vụ Phạm Thị Bích Lương phải thi hành 1.500 tỷ đồng, nhưng tất cả tài sản của đối tượng này chỉ có 1 tỷ đồng. Cơ quan THADS vẫn phải xác định đây là việc có điều kiện thi hành 1.500 tỷ đồng” - Cục trưởng Lê Quang Tiến cho biết và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi chế độ báo cáo của Luật THADS để phù hợp thực tế.
 Giang Kim Đạt và các đồng phạm tại tòa.
Một trong những vướng mắc, khó khăn là quy định ủy thác THADS. Hiện nay tuy đã có văn bản hướng dẫn, nhưng thực tiễn thực thi vẫn vướng mắc. Thực tế trong những vụ án lớn, tài sản phải thi hành có liên quan đến nhiều địa phương mà nếu cứ tuần tự xử lý hết địa phương này đến địa phương khác thì việc THA phải kéo dài và bị thất thoát.

Đối với vụ việc điển hình tại Hà Nội là vụ án Giang Kim Đạt, ông Tiến cho biết, số tiền và số tài sản phải thi hành rất lớn, nhưng lại tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, còn tại Hà Nội chỉ có vài tài sản. Cục THADS TP Hà Nội đang tiến hành vụ việc này, nhưng mất nhiều thời gian. “Luật cần quy định theo hướng: Nếu tài sản phải thi hành liên quan đến nhiều địa phương, các địa phương sẽ phối hợp xử lý tài sản của đối tượng song song để tránh mất nhiều thời gian” - ông Tiến đề xuất.

Cục trưởng Lê Quang Tiến cho hay, trong thời gian tới, sẽ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo chấp hành viên có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ việc có giá trị lớn, các việc có điều kiện thi hành; tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chỉ đạo án tín dụng ngân hàng. Đối với các vụ việc cưỡng chế chỉ đạo chấp hành viên rà soát trình tự, thủ tục THA, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đẩy nhanh tiến độ THA vụ Giang Kim Đạt.