Thí sinh cần lưu ý điều gì khi đăng ký các kỳ thi độc lập?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi tuyển sinh đại học 2023 đang đến gần, trong đó có nhiều kỳ thi độc lập. Để quá trình đăng ký, ôn luyện của thí sinh suôn sẻ và đạt hiệu quả tốt nhất, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022

Cẩn trọng từ khâu đăng ký

Từ năm 2023, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi độc lập cũng được một số cơ sở đào tạo tổ chức và lấy kết quả để tuyển sinh đầu vào đại học. Điều đầu tiên thí sinh cần lưu ý, đó là trường nào cũng sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển nên có nhiều cách vào đại học chứ không nhất thiết phải tham dự các kỳ thi độc lập.

Nếu quyết định tham gia dự thi, thí sinh cần nắm được trường mình yêu thích sử dụng kết quả của kỳ thi nào, từ đó, tìm hiểu cụ thể, chi tiết về kỳ thi đó bao gồm mức độ - kết cấu đề thi, thời gian đăng ký, hình thức thi, lệ phí thi…

Năm 2023, có nhiều kỳ thi độc lập được tổ chức để tuyển sinh đại học (Ảnh: HNUE)
Năm 2023, có nhiều kỳ thi độc lập được tổ chức để tuyển sinh đại học (Ảnh: HNUE)

Với bước đăng ký, thí sinh cần chủ động khai báo thông tin hồ sơ đầy đủ. Thực tế cho thấy, khâu này vẫn bị thí sinh coi nhẹ và làm ẩu. Ví như, ngay trong ngày đầu mở cổng đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội (ngày 6/2), Trung tâm Khảo thí ghi nhận có rất nhiều thí sinh đến giờ đăng ký thi mới vào khai báo thông tin. Việc khai báo thông tin chậm làm ảnh hưởng đến đường truyền và ảnh hưởng hơn là thí sinh đăng ký vội dễ dẫn đến khai báo sai.

Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến cáo các thí sinh dùng máy tính để đăng ký tài khoản, chọn ca thi, nộp lệ phí... nhằm hạn chế tối đa sai sót. Bất kỳ sai sót nào đều có thể ảnh hướng đến tiến trình dự thi, công nhận kết quả thi. Thông tin khai báo sai có thể bị dừng thi hoặc làm chậm thời gian cấp Giấy chứng nhận kết quả từ 4-6 tuần (thí sinh có thể không kịp xét tuyển đại học nếu nhận Giấy chứng nhận kết quả muộn do thông tin sai).

“Chúng tôi mong muốn thí sinh thực sự có nguyện vọng thi hãy khai báo hồ sơ trước và chính xác thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của mình” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh. 

Với kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm, nhà trường cũng lưu ý thí sinh phải tìm hiểu kĩ phương thức, điều kiện tuyển sinh năm 2023 của trường ĐH mà thí sinh có nguyện vọng dự tuyển, từ đó, quyết định lựa chọn 2, 3 hoặc 4 bài thi sẽ đăng kí dự thi.

Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống đăng ký thi đánh giá năng lực của trường. Mỗi thí sinh sẽ đăng ký 1 tài khoản truy cập Hệ thống để kê khai/chỉnh sửa thông tin, tải các minh chứng trong quá trình đăng kí. Thí sinh đồng thời sử dụng tài khoản này để tra cứu kết quả thi, đăng kí phúc khảo, tra cứu kết quả phúc khảo (nếu có).

Không cần thiết ôn theo lò luyện

Tâm lý thường gặp là khi đăng ký tham dự kỳ thi nào, thí sinh lại có ý định ôn lò luyện theo định hướng của kỳ thi đó với mong muốn nắm vững kiến thức, dạng đề và biết đâu có cơ may... trúng tủ. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, với các kỳ thi độc lập, thí sinh không cần ôn theo lò luyện.

Thí sinh không nhất thiết phải ôn theo lò luyện
Thí sinh không nhất thiết phải ôn theo lò luyện

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo phân tích, đề thi tại kỳ đánh giá năng lực - ĐH Quốc gia Hà Nội hướng tới đánh giá khả năng phát triển tư duy, vận dụng của học sinh sau khi tốt nghiệp chương trình THPT. Vì vậy, học sinh khó có thể học tủ, ôn theo dạng đề nào đó.

“Các trung tâm luyện thi thường dựa vào đề tham khảo, cóp nhặt trường này trường kia, rồi làm ra một số đề na ná định dạng khiến thí sinh tưởng đề luyện giống đề thi thật. Trong khi ngân hàng câu hỏi đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội rất lớn và không dễ lặp lại. Năm nay lên đến 12.000 câu hỏi và mỗi năm bổ sung thêm 25%. Mỗi thí sinh sẽ có một đề thi riêng và khó hy vọng trúng câu tủ. Do đó, việc các em ôn luyện ở các trung tâm hay các nhóm luyện thi sẽ không nhiều ý nghĩa, hiệu quả hơn tự học ở nhà” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định.

Giám đốc Trung tâm khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, với bài thi đánh giá năng lực, chỉ cần học tốt, nắm vững kiến thức cơ bản chương trình THPT là thí sinh có thể làm bài thi tốt. Thí sinh nên làm bài thi tham khảo trước khi đi thi để biết cách thức làm bài, dạng thức, tiến trình, thời gian thi... Thí sinh cần có kế hoạch ôn tập đầy đủ, nghiêm túc, không nhất thiết phải luyện thi. 

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, thí sinh học tốt, ôn luyện tốt tại trường THPT nơi mình theo học là có thể đáp ứng kỳ thi tốt nhất trong khả năng có thể.

Với đề thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các thầy cô tham gia ra đề thi được tập trung độc lập, đấy là phần nguồn. Sau đó, đội ngũ khác tiến hành thẩm định để có một ma trận đề. Các câu hỏi thi đều được chuẩn hóa trước khi cho vào ngân hàng đề thi. Khi được cho vào ngân hàng, các đề thi sẽ là các tổ hợp ngẫu nhiên các câu hỏi chứ không theo đề xuất của một ai. 

"Các em không cần phải ôn luyện tại các lò hay trung tâm luyện thi. Với quy trình ra đề mà trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã, đang và sẽ áp dụng, sẽ không có bất kỳ thầy cô nào tạo được quyền năng hay giữ bí quyết luyện thi nhờ tham gia ra đề thi" - GS Nguyễn Văn Minh nói.

Các chuyên gia cũng nhắn nhủ, dù đăng ký tham dự kỳ thi độc lập nào thì có một điều thí sinh không được phép quên, đó là cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ khi tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng.