Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi THPT quốc gia 2017: Nhiều trường tính phương án tuyển sinh riêng

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Trao đổi về dự thảo tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH) 2017, ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đầy băn khoăn về "thước đo" chất lượng khi kỳ thi được tổ chức chung ngày nhưng đề khác nhau.

Cân nhắc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia

 
Thưa ông, các phương thức xét tuyển sinh ĐH năm 2017 mà Bộ GD&ĐT gợi ý có phải là cách tốt nhất để các trường ĐH xét tuyển sinh?
- Để tuyển sinh có chất lượng thì phải dùng thước đo. Ví dụ, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Các trường khác xét tuyển theo học bạ tuyển chọn những em có kết quả học tập giỏi ở các môn phù hợp với chương trình đào tạo của mình, trường thì dựa vào kết quả thi THPT quốc gia lấy điểm từ cao xuống thấp.
Chúng ta đã có kỳ thi THPT quốc gia chung đề, chung ngày. Nhưng tới đây, kỳ thi này chỉ còn giống nhau ở ngày thi, còn đề lại khác nhau thì không biết thước đo sẽ thế nào. Tôi nói lại, chỉ một thước đo, nhưng phải tin cậy, hạn chế được tiêu cực trong thi cử, nhất là không để các địa phương chạy theo thành tích. Có như thế mới đánh giá khách quan về năng lực của thí sinh (TS). Tôi nghĩ các trường ĐH ngoài nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT giao phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 thì nên nghĩ đến phương án tuyển sinh riêng của mình.
Đề án tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2017 sẽ theo hướng nào?
- Chúng tôi đang bàn bạc, xem xét. Khi đề án thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2017 được Bộ GD&ĐT khẳng định và công bố, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có đề án tuyển sinh báo cáo Bộ. Chúng tôi rất muốn được thông qua sớm để TS và phụ huynh cập nhật thông tin nhà trường xét tuyển thế nào rồi đăng ký.
Chúng tôi hình dung có thể vẫn sử dụng hình thức sơ tuyển kết quả học tập 3 môn ở bậc THPT từ khá trở lên theo tổ hợp xét tuyển. Mấy năm vừa rồi, chúng tôi đều làm như vậy và có kết quả khá tốt. Còn việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, chúng tôi sẽ cân nhắc sử dụng theo kiểu xét tuyển chính thức hay dùng để tham khảo. ĐH Bách khoa cũng có thể tổ chức riêng các kỳ thi bổ sung hoặc kết hợp với một số trường. Chẳng hạn như cùng khối các trường khoa học kỹ thuật tổ chức thi và công nhận kết quả lẫn nhau. Tất nhiên kết quả thi ấy phản ánh chính xác năng lực của TS. Chúng tôi cũng nghĩ đến phương án lựa chọn học sinh ở những trường THPT uy tín có khả năng học tốt những môn khoa học tự nhiên và cho làm bài thi đánh giá năng lực nhẹ nhàng để sử dụng kết quả xét tuyển.
Hiện nay các phương án đều bỏ ngỏ, nhưng chắc chắn nếu Bộ GD&ĐT thông qua hướng tổ chức thi THPT và tuyển sinh 2017 thì chúng tôi sẽ sớm có đề án công bố cho TS và phụ huynh biết các phương án tuyển sinh của trường trong những năm tới.

Tuyển sinh 2 đợt

Theo dự thảo tuyển sinh 2017, TS được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH. Bộ GD&ĐT đáp ứng tối đa nguyện vọng của TS đồng nghĩa với "ảo" nhiều lên, thưa ông?
- TS được đăng ký nhiều trường thì "ảo" mới nhiều. Ví dụ, nếu bây giờ cho TS đăng ký 10 trường, mỗi trường 1 nguyện vọng thì "ảo" rất lớn. Nhưng mỗi em chỉ được chọn 2 trường, mỗi trường nhiều nguyện vọng thì "ảo" sẽ khác. 
Khi các trường ĐH được tuyển sinh một hoặc 2 kỳ một năm, ĐH Bách khoa Hà Nội có thực hiện luôn trong năm 2017?
   - Đó chính là cái manh nha của ĐH Bách khoa Hà Nội. Có thể mùa Xuân, chúng tôi tổ chức tuyển các em đang học lớp 12 và TS đã tốt nghiệp THPT năm 2016. Đến tháng 4/2017, các em biết mình đủ điều kiện vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhưng các em đó chưa trúng tuyển vì còn phải chờ thi THPT quốc gia và đỗ tốt nghiệp mới được nhận Giấy báo trúng tuyển. Với việc tuyển sinh 2 kỳ, giả dụ đợt 1, chúng tôi tuyển được 4.000 trên tổng số 6.000 chỉ tiêu, thì tháng 7 và 8 sẽ chọn thêm 2.000 em nữa. Như vậy, việc tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng. Đây cũng là cách mà nhiều trường ĐH lớn trên thế giới đang thực hiện.
 Xin cảm ơn ông!