Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh THPT: Sân chơi bổ ích

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thành công của việc thí điểm thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến tại 3 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp), năm nay Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh THPT năm 2017 ở quy mô rộng hơn.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thời gian qua, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được tổ chức bài bản, nghiêm túc, sát thực, cơ bản phù hợp với đặc điểm, sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi và sở thích của các em cũng như nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường, cả giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, cuộc thi năm 2016 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tuy mới được thí điểm tại 3 địa phương nhưng đã thu hút trên 35.000 học sinh tham gia, chưa kể sự quan tâm, tham gia của đông đảo thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh, tạo sức lan tỏa xã hội rộng lớn. Các cuộc thi đã giúp cho đội ngũ giáo viên, học sinh có được nguồn tài liệu tham khảo bổ ích, nâng cao nhận thức, kiến thức hiểu biết pháp luật.

Học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ tham gia thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật. Ảnh: Hải Thanh

Cuộc thi cũng là sân chơi bổ ích để các em từng bước hình thành ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng thói quen, lối sống lao động, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, biết tôn trọng trật tự chung, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Mỗi em không chỉ biết bảo vệ lợi ích của Nhà nước của xã hội mà còn biết tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh THPT 2017 dành cho đối tượng là học sinh tại các trường THPT trên địa bàn 19 tỉnh, TP, được tổ chức bằng hình thức thi trực tuyến, thiết bị sử dụng là máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet.
Theo TS. Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cuộc thi năm nay có nhiều điểm khác biệt so với cuộc thi trước như: Phạm vi địa bàn tổ chức cuộc thi được mở rộng hơn, nội dung thi gọn và tập trung hơn, bám sát các nội dung dạy và học pháp luật trong nhà trường, giảm thiểu các câu hỏi chưa thiết thực, chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đồng thời gia tăng các câu hỏi xử lý tình huống, gắn với các vụ việc cụ thể. Bên cạnh đó, thời gian thi cấp trường dài hơn, gồm 6 tuần thi liên tiếp (năm 2016 gồm 4 tuần thi liên tiếp) và khung giờ thí sinh có thể tham gia dài hơn, từ 8 giờ ngày thứ Hai đến 17 giờ ngày Chủ nhật của mỗi tuần.
Để cuộc thi đạt hiệu quả như mong muốn, theo ông Lân, các địa phương chưa ban hành kế hoạch, chưa thành lập Ban Tổ chức và Tổ giúp việc cần sớm ban hành và khẩn trương tổ chức Lễ phát động, hưởng ứng cuộc thi tại địa phương. Đồng thời sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường đăng ký tham gia, động viên, khích lệ gia đình tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi để đạt kết quả cao nhất, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật thật tốt đáp ứng yêu cầu tham gia cuộc thi. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi cần tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông để khuyến khích, huy động các nhà trường, các em học sinh nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi. Từ đó, các đơn vị tích cực hưởng ứng và tham gia đông đảo để cuộc thi thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, một hoạt động xã hội rộng lớn tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật (9/11) và Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
19 tỉnh, TP đăng ký tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2017 gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Điện Biên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Tây Ninh, Vĩnh Phúc.