Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản: Những con số “biết nói”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những con số về giao dịch, giá cả, dư nợ tín dụng… đều khả quan, đã cho thấy sự hồi phục của thị trường BĐS năm 2014.

Nhìn lại để hướng tới mục tiêu cao hơn trong năm mới, ngành xây dựng hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng vào sự tăng trưởng trong năm 2015 của thị trường BĐS sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.

Trở lại ngôi “vương”

Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ động đề xuất đã đạt được những kết quả quan trọng. Thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2013. Trong năm 2014, thị trường tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua lượng giao dịch tăng; giá cả tương đối ổn định; lượng tồn kho BĐS tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, BĐS trở lại là kênh đầu tư hấp dẫn. Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/10/2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,13%). Lĩnh vực kinh doanh BĐS đã đứng thứ hai về thu hút vốn FDI. Năm 2014 có 35 dự án kinh doanh BĐS sử dụng vốn FDI được cấp mới, vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn FDI (năm 2013 có 23 dự án cấp mới, vốn đăng ký 757 triệu USD). 
Tại TP Hà Nội, đến cuối năm 2014, tổng giá trị tồn kho khoảng 10.796 tỷ đồng, giảm 2.174 tỷ đồng (16,76%) so với tháng 12/2013 và giảm 6.265 tỷ đồng (36,72%) so với đầu kỳ báo cáo quý I/2013. Tại TP Hồ Chí Minh, tổng giá trị tồn kho khoảng 15.764 tỷ đồng, giảm 1.705 tỷ đồng (9,75%) so với tháng 12/2013 và giảm 12.977 tỷ đồng (45,15%) so với quý I/2013.

Trong cả năm, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng hơn 2 lần so với năm 2013), tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng khoảng 30%). Mặt bằng giá nhà ở nhìn chung là ổn định, giá bán của nhiều dự án trong giai đoạn 2011 - 2013 đã giảm sâu (trên 30%), trong 12 tháng qua đã ổn định và không giảm tiếp. Tại Hà Nội, một số dự án có vị trí tốt, đã hoàn thành hoặc sắp đưa vào sử dụng có giá bán tăng nhẹ (khoảng 1 - 2%) so với năm 2013.

Đặc biệt, vấn đề lo ngại nhất là tồn kho BĐS đã tiếp tục giảm. Tính đến ngày 15/12/2014, tổng giá trị tồn kho còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (21,8%) so với tháng 12/2013 và giảm 54.659 tỷ đồng (42,52%) so với đầu kỳ báo cáo vào quý I/2013. Cơ cấu hàng hóa đã được điều chỉnh hợp lý. Đến nay, cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Sự chuyển động của gói 30.000 tỷ đồng

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra với mục tiêu kép, vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, vừa giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, khi đưa ra triển khai, gói tín dụng này đã vấp phải không ít khó khăn trong việc giải ngân.

 
Khu đô thị mới Đặng Xá 2, huyện Gia Lâm. Ảnh: Đăng Quân
Khu đô thị mới Đặng Xá 2, huyện Gia Lâm. Ảnh: Đăng Quân
Tính đến 15/12/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39% (tháng 6/2014 mới đạt 13,47%), đã giải ngân 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27% (tháng 6/2014 mới đạt 7,63%). Tốc độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2014 tăng hơn 2 lần so với giai đoạn từ tháng 6/2014 trở về trước, nhất là sau khi Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó đã mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, đồng thời có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai tạo thêm nguồn cung cho thị trường.

Thực tế qua 2 năm triển khai đã khẳng định, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ động đề xuất là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, vừa giúp thị trường hồi phục tích cực, vừa tháo gỡ khó khăn cho các DN xây dựng và BĐS, vừa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở, được đánh giá là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc. Nhiều DN BĐS đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như: Chuyển mạnh sang phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức... Thị trường BĐS đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Niềm tin vào thị trường đã được khôi phục.