Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh: Nóng sốt bởi... “cò”

Gia Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, thị trường đất nền, nhà phố tại TP Hồ Chí Minh đã trải qua ít nhất 2 đợt lên cơn sốt ảo.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do giới đầu cơ chuyên nghiệp hay còn gọi là “cò đất” cầm trịch làm giá, thổi giá, kích thích tâm lý đầu tư lướt sóng nhằm trục lợi.
Giá đất tăng nóng bất thường

Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ trong vòng hơn một tháng gần đây, giá đất tại khu vực đường Gò Cát (gần Cảng Phú Hữu, quận 9), đã tăng từ mức 24 - 25 triệu đồng/m2 lên đến 30 - 35 triệu đồng/m2. Một số dự án nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn qua quận 9) hiện đang được chào bán với giá từ 40 - 50 triệu đồng/m2, tăng hơn 20 triệu đồng/m2 so với cách đây một tháng. Tại quận 2, giá đất còn "khủng khiếp" hơn. Cụ thể, đất tại khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi đang được giao dịch với giá từ 55 - 60 triệu đồng/m2. Với những lô đất nằm tại mặt đường lớn, giá có thể lên đến 150 triệu đồng/m2. Cá biệt, đất mặt tiền đường Lương Định Của đang được chào bán với giá từ 180 - 250 triệu đồng/m2, đất mặt tiền đường Trương Văn Bang đang được chào bán với giá từ 200 triệu đồng/m2.
Các điểm tư vấn mua bán nhà đất tại khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh luôn tấp nập kẻ mua người bán. Ảnh: Việt Tâm
Anh Nguyễn Văn Tâm (quê gốc Hưng Yên) - nhân viên môi giới nhà đất thuộc một công ty bất động sản tại quận 9 cho biết, giá nhà đất tại khu vực này tăng hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Hôm nay nhận cọc, ngày mai sang tên đã lời được mấy chục triệu đồng.

Không chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, các vùng phụ cận như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu... cũng xuất hiện tình trạng giá đất "tăng nóng". Đơn cử, tại Long An, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại huyện Đức Hòa giá đất nền hiện đang được giao dịch với giá dao động từ 12 - 14 triệu đồng/m2 (tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2016). Tại thị trấn Bến Lức, trong khi giá đất thổ cư dao động từ 9 – 12 triệu đồng/m2 thì đất tại các dự án giáp ranh với TP Hồ Chí Minh đang có giá từ 13 - 15 triệu đồng/m2. Tại Cần Đước, một số dự án kết nối quốc lộ 50 có mức giá từ 10 – 13 triệu đồng/m2. Đánh giá sơ bộ, giá đất nền tại các dự án ở Long An đều tăng ít nhất từ 15 – 30% trong vòng một năm qua...

"Từ đầu năm 2017 đến tháng 6/2018, đã xuất hiện 2 đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Cơn sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép còn xuất hiện tại khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và tại 03 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc... Những cơn sốt giá ảo này gây tác hại rất lớn đối với thị trường bất động sản, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường hạ nhiệt". - Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA)

Việc giá đất tăng nóng đã khiến các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... buộc phải vào cuộc, bằng những biện pháp khác nhau nhằm "hạ nhiệt" những cơn sốt bất thường này. Mới đây nhất, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản, chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, kiểm soát tình trạng tăng giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh giao Công an TP phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản để xử lý theo quy định. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình mua bán bất động sản, phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra việc “sốt giá” đất dẫn đến “bong bóng” bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), việc UBND TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản chỉ đạo nêu trên là kịp thời và cần thiết. Bởi thực tế cho thấy, thời gian qua thị trường đã xuất hiện những nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, trong đó, có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất chuyên nghiệp. Cùng với đó là hiện tượng làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Bài học từ những “thành phố ma”!

Với những nhà đầu tư đã lỡ tay xuống tiền thì bài học "cay đắng" từ những "thành phố ma" như TP mới Bình Dương, Nhơn Trạch vẫn còn đó, vẫn nguyên giá trị, vẫn gây nhức nhối…

Vẽ nên viễn cảnh hoàng tráng như Singapore để bán đất, bán nhà, nhưng sau hàng chục năm TP mới Bình Dương vẫn hoang vắng bóng người. Nhiều DN… đua nhau tháo chạy, để lại hàng nghìn nhà đầu tư mắc cạn. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư "chờn mặt" Bình Dương. Bằng chứng là trong khi các thị trường vùng ven như Long An, Đồng Nai diễn ra hiện tượng "sốt ảo" đất, giao dịch nhộn nhịp thì thị trường Bình Dương vẫn lặng như tờ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng, sở dĩ Bình Dương “bất động” vì "nó đã quá năng động" từ 7 - 8 năm về trước với hàng trăm nghìn đơn vị nhà ở, vượt quá nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, sai lầm của các nhà đầu tư là đã không đáp ứng được nhu cầu ở của đối tượng chính đang sinh sống là công nhân.

"Nghịch lý là các bất động sản tại đây chỉ phù hợp với bộ phận văn phòng trung - cao cấp, tuy nhiên họ lại không chấp nhận sinh sống tại đây. Đồng thời, phải nói thẳng ra rằng, Bình Dương là một thị trường đầu cơ, sau khi bong bóng vỡ ra, nhà đầu tư thấy không còn tăng giá được nữa nên giao dịch ngưng lại là chuyện bình thường" - ông Hiển nhận định.

Bên cạnh TP mới Bình Dương, một "thành phố ma" điển hình khác phải nhắc đến là Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cách đây hơn 20 năm, khu vực này từng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phát triển thành siêu đô thị phía Đông của TP Hồ Chí Minh với tên gọi TP mới Nhơn Trạch. Thế nhưng, sau hơn 20 năm, Nhơn Trạch vẫn chưa thể trở thành một đô thị đúng nghĩa, nhiều dự án khu dân cư còn vắng bóng người ở. Mặc dù trong suốt quãng thời gian qua, giá đất tại “TP mới Nhơn Trạch” cũng đã trải qua không dưới 5 lần được “thổi cho bằng sốt” của giới đầu cơ, thông qua những dự án hạ tầng giao thông kết nối với TP Hồ Chí Minh.

Điển hình và gần đây nhất là vào đầu tháng 8/2018, khi UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với TP Hồ Chí Minh về phương án xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP Hồ Chí Minh và Nhơn Trạch của Đồng Nai. Sau buổi làm việc này, "giới thạo tin" đã nhanh miệng "thổi" cho thị trường bất động sản Nhơn Trạch sốt ảo trở lại nhằm cứu vớt cho hàng trăm hecta đất nền đã làm xong hạ tầng nhưng đang để cho cỏ mọc cùng hàng trăm ngôi biệt thự, chung cư đã xây xong phần thô đang rêu phong… “Điệp vụ” bất thành, Nhơn Trạch vẫn hoang vắng như cũ.

Theo giới chuyên môn, trong bối cảnh hiện tại, nguy cơ những “thành phố ma” mới sẽ mọc lên là rất lớn. Bởi giá đất tăng nóng thời gian qua không phản ánh đúng giá trị thật, mà chủ yếu là do giới đầu nậu, đầu cơ đẩy giá bán, lướt sóng kiếm lời. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, tránh bị cuốn vào tâm lý đám đông, đầu tư theo kiểu a dua đám đông, dễ dẫn đến tình trạng tiền mất, tật mang.