Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh: Sôi động mua bán, sáp nhập dự án

Việt Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, tồn kho bất động sản (BĐS) chính là "mảnh đất màu mỡ" cho thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) dự án phát triển.

Số lượng dự án “trùm mền” hiện vẫn còn khá lớn, và M&A chính là cơ hội cho cả bên bán lẫn bên mua.

Nhiều dự án “trùm mền” hồi sinh

Từ 2009 - 2013, 5 năm kể từ thời điểm "trái bóng BĐS xì hơi", chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 14.000 căn hộ tồn kho cùng hàng trăm dự án “đắp chiếu nằm... chờ". Thế nhưng, từ năm 2014 đến nay, thị trường đã có sự hồi phục mạnh mẽ, hàng loạt dự án hồi sinh, cùng với đó là sự trỗi dậy của các chủ đầu tư trong nước. Với lợi thế am hiểu thị trường, các DN trong nước không chỉ "cầm trịch" trong cuộc đua M&A dự án mà còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường BĐS.
 Dự án An Gia Riverside - một trong số những dự án M&A thành công của An Gia Investment. Ảnh: Na Lê

Bước vào năm 2017, nhiều chuyên gia có chung quan điểm, hoạt động M&A sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn do thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nguồn cung lớn cùng sự tác động từ chính sách sẽ khiến các DN có xu hướng... xích lại gần nhau hơn. Thực tế ghi nhận, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã chứng kiến đồng thời nhiều thương vụ M&A đình đám. Điển hình là việc An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) công bố đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa, quận 7 từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Dự án có quy mô khoảng 6ha với 2.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đây đồng thời cũng là dự án thứ 6 được DN này thực hiện theo hình thức M&A trong thời gian qua. Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) cũng đã hoàn tất thủ tục mua lại dự án của Công ty Phát triển Nhà Bình Chánh (BCCI) tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. Theo ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Hung Thinh Corp, đây là dự án thứ 2 mà DN này mua lại của BCCI trong vòng 6 tháng qua. Ông Trung tiết lộ đồng thời cho biết, ngoài quỹ đất hiện có, Hung Thinh Corp vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động M&A dự án, bởi đây là con đường ngắn nhất để phát triển dự án.

Ngoài ra, trong thời gian qua, thị trường TP Hồ Chí Minh còn chứng kiến hàng loạt dự án, trong đó có dự án của những DN "vang bóng một thời" như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Intreco, Savico, Hưng Phú... lần lượt được chuyển giao về cho các “đại gia” chuyên nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Đất Xanh…

Kẻ bán, người mua cùng có lợi

Theo các chuyên gia, hoạt động M&A gần đây đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ sức tăng trưởng tốt của thị trường. Dòng vốn dồi dào và nhu cầu lớn đã tạo điều kiện cho các "dự án chết" có cơ hội được hồi sinh, dự án chậm tiến độ được "bơm máu" để nhanh chóng về đích. Cùng với đó, các DN có thực lực cũng nhân cơ hội này mở rộng quỹ đất, tăng số lượng dự án để trở thành “ông lớn”. Phó Chủ tịch HĐQT An Gia Investment Lương Sĩ Khoa cho rằng, các thương vụ M&A giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và GPMB… mà nếu phát triển dự án mới, công đoạn này có khi lên đến cả năm trời. “Thêm nữa, phần lớn các dự án "trùm mền" đều nằm tại các vị trí đẹp, quỹ đất lớn, cận kề trung tâm, có hạ tầng dân sinh phát triển… kết hợp tốt lợi thế kinh nghiệm và tài chính, DN sẽ dễ dàng phát triển những dòng sản phẩm mới phù hợp hơn” - ông Khoa nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh mẽ hơn do thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh hiện vẫn còn khá nhiều DN có quỹ đất dồi dào, nhưng do nhiều nguyên nhân nên không thể tiếp tục triển khai dự án, và đây chính là "mảnh đất màu mỡ" để thị trường M&A phát triển. "Nền kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện với các chỉ số kinh tế tích cực và được công nhận là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - Tổng Giám đốc JLL Việt Nam Stephen Wyatt nhận định. Đồng thời cho biết, dựa trên thông tin nguồn cầu nhận được từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, JLL Việt Nam có cơ sở để tin rằng, năm 2017 sẽ là năm kỷ lục cho hoạt động M&A trên thị trường BĐS Việt Nam.

Chuyên gia nhận định

Cần “cởi trói” cho DN

 

Các DN trong nước đang dẫn dắt thị trường bất động sản (BĐS), bao gồm cả thị trường mua bán, sáp nhập DN, chuyển nhượng dự án (M&A). Tuy nhiên, họ đang rất cần được "cởi trói" về chính sách để phát triển. Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA). Theo ông Châu, trong hoạt động M&A dự án, dễ dàng nhận thấy ưu thế đang thuộc về các DN trong nước do họ có khả năng tiếp cận quỹ đất tốt hơn, nắm rõ môi trường kinh doanh hơn, từ đó giúp tiết kiệm thời gian thực hiện thương vụ. Dự báo trong thời gian tới, các DN BĐS trong nước sẽ tiếp tục thống lĩnh và dẫn dắt thị trường M&A dự án. Tuy nhiên, các DN đang rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách để phát triển. Cụ thể là: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, chủ đầu tư chỉ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Quy định này chưa giải quyết được triệt để các vấn đề đang tồn tại hiện nay, đồng thời khiến cho hoạt động mua bán, sáp nhập bị bó hẹp.

Bởi vì, việc phát triển dự án, đầu tư kinh doanh BĐS là một quá trình, là một chuỗi các hoạt động đầu tư theo nhiều giai đoạn. Chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là chuyển nhượng nhà ở cho người mua nhà. Nếu DN bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục hoặc công đoạn đầu tư, thì DN bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này. Hơn nữa, sau khi nhận chuyển nhượng dự án, có thể DN lại làm thủ tục xin thay đổi quy hoạch dự án, có khi phá bỏ hạ tầng cũ để xây dựng lại theo mục tiêu kinh doanh của mình thì rất lãng phí của cải xã hội và mất rất nhiều thời gian. DN cần được tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh theo nhu cầu và mục tiêu của mình. Rất cần thiết cho phép DN được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành GPMB, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh BĐS theo nhu cầu của các DN.

Gia Việt  ghi