KTĐT - Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (14/10), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,51 điểm, tương ứng 0,01%, xuống 11.094,57 điểm. S&P 500 hạ 4,29 điểm, tương ứng 0,36%, xuống 1.173,81 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phiên giao dịch giằng co khá mạnh. Giới đầu tư lo ngại về sự xuống dốc của thị trường nhà đất, trong khi vẫn kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ in thêm tiền giải cứu kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (14/10), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,51 điểm, tương ứng 0,01%, xuống 11.094,57 điểm. S&P 500 hạ 4,29 điểm, tương ứng 0,36%, xuống 1.173,81 điểm. Nasdaq giảm 5,85 điểm, tương ứng 0,24%, xuống 2.435,38 điểm.
Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq đạt 9,04 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức 8,78 tỷ cổ phiếu trung bình hàng ngày từ đầu năm tới nay. Trên sàn New York, tỷ lệ cổ phiếu giảm điểm so với tăng là 3;2, còn ở Nasdaq là 7:6.
Các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên, do tác động từ nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng sau khi hãng bất động sản RealtyTrac công bố số lượng nhà bị thu hồi trong tháng 9 là 102.134 căn, cao nhất trong 5 năm.
Theo RealtyTrac, các ngân hàng đã tịch biên 102,134 căn nhà trong tháng 9. Tổng số đơn xin tịch biên nhà cùng tháng đứng ở mức 347,420, tăng 3% so với tháng 8 và 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính cả quý vừa qua, số hồ sơ xin tịch biên nhà lên tới 930,437, tăng 4% so với quý 2 nhưng giảm 1% so với cùng kỳ 2009. Nếu tính trung bình trong quý 3, cứ 139 căn nhà thì có 1 đơn xin tịch biên.
RealtyTrac cho rằng sau thời gian tạm lắng, số nhà bị tịch biên có thể lên tới mức đỉnh nếu các các ngân hàng không thể nhanh chóng giải đáp những thắc mắc về giấy tờ.
Nevada là bang có tỷ lệ nhà bị tịch thu cao nhất tháng thứ 45 liên tiếp, theo sau là Arizona, Florida, California và Idaho.
Cổ phiếu của Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase giảm từ 2-5%. Chỉ số ngân hàng BKW hạ 2.6%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục bứt phá, với cổ phiếu Google tăng tới 9% sau khi công bố lợi nhuận quý 3 vượt dự báo của giới phân tích Phố Wall.
Đà giảm của thị trường cũng được hạn chế bởi sự đi xuống của đồng USD khiến cổ phiếu hàng hóa tăng giá. Chỉ số USD giảm 0,7% xuống 76,542 điểm, thấp nhất kể từ tháng 12/2009.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng người thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 9/10 tăng 13.000 lên 462.000 người. Việc này càng khiến nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ in thêm tiền để hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Khu vực châu Âu cho kết quả trái chiều. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,35%, xuống 5.727,21 điểm, CAC 40 của Pháp giảm 0,24%, xuống 3.819,17 điểm, trong khi DAX của Đức tăng 0,32%, lên 6.455,27 điểm.
Hầu hết các thị trường châu Á đều tăng điểm, ngoại trừ thị trường Singapore và Ấn Độ giảm nhẹ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,91%, Kospi của Hàn Quốc tăng 1,26%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,64%, Hang Seng của Hồng Kông tiến 1,68%.