Thị trường dầu mỏ khó hồi phục trước “cú sốc” virus corona

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Andy Lipow - Chủ tịch của Lipow Oil Associates nhận định rằng giá dầu có thể giảm thêm 5 USD/thùng do ảnh hưởng của sự bùng phát virus corona.

Giá dầu lao đao vì dịch viêm phổi Vũ Hán
Giá dầu đã lao dốc mạnh trong vài tuần qua do những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc.
Trong tuần này, giá dầu ngọt nhẹ WTI đã chứng kiến mức sụt giảm tới 2,8% và lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 USD/thùng kể từ tháng 1/2019. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm về mức 50,11 USD/thùng, hạ gần 21% so với mức đỉnh tới 63,27 USD/thùng thiết lập hôm 6/1 và đánh dấu sự xâm nhập vào thị trường “con gấu” (được định nghĩa là giảm hơn 20% so với mức cao trước đó), do lo ngại về sự suy giảm nhu cầu khi virus corona lây lan.
 Virus corona bùng phát khiến giá dầu giảm mạnh trong những phiên gần đây.
Mặc dù phục hồi mạnh trong phiên 5/2, giá dầu hiện vẫn ở mức thấp nhất trong 13 tháng qua do những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc. Giá dầu WTI được giao dịch ở mức 49,81 USD/thùng, hạ hơn 18% kể từ đầu năm 2020. Giá dầu Brent giao dịch ở mức khoảng 54,22 USD/thùng, cũng giảm gần 17% so với cùng kỳ  trong tháng 1.
Giá dầu giảm mạnh trong các phiên giao dịch gần đây do virus corona hoành hành tại Trung Quốc và nhiều nước, khiến hầu hết các hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đình trệ, đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của toàn cầu, do dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona làm giảm sản lượng của kinh tế Trung Quốc, đã khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lo ngại, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mua phần lớn lượng dầu mỏ của liên minh này.
Nhận định về thị trường năng lượng trong thời gian tới, ông Andy Lipow - chủ tịch của Lipow Oil Associates cho rằng giá dầu có thể lao dốc tới 5 USD/thùng do hậu quả của virus corona tiếp tục lan rộng. “Trong trường hợp dịch bệnh viêm phổi do virus corona khởi phát từ Trung Quốc được kiểm soát, thị trường sẽ hồi phục, nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại mức bình thường, nhưng điều này sẽ mất một thời gian khá dài” - chuyên gia Lipow nhận xét.
Theo ông Andy Lipow, cả  dầu Brent và West Texas đều chịu áp lực giảm giá sâu vì bùng phát virus corona và thậm chí diễn biến trên thị trường năng lượng có thể còn tồi tệ hơn.
Nhà phân tích Lipow cho biết nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm đáng kể, khoảng 20%, tương đương với khoảng 3 triệu thùng/ngày. “Sự sụt giảm nhu cầu kỷ lục này thực sự sẽ gây áp lực hơn nữa cho thị trường dầu mỏ”, ông Lipow lưu ý.
Trả lời câu hỏi liệu giá dầu Brent có thể sớm phục hồi ngưỡng 60 USD/thùng hay không, chuyên gia Lipow nói rằng có thể rất lâu giá dầu mới đạt được mức này.
Theo dự báo mới nhất của S&P Global Platts, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm gần 2,6 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 2 triệu thùng/ngày trong tháng 3 ở kịch bản xấu nhất. Con số khổng lồ này đủ sức gây chấn động với mọi nhà sản xuất dầu mỏ.
Tác động hạn chế của OPEC
Trước diễn biến dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, OPEC cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, được dự báo cân nhắc giảm thêm 500.000 thùng mỗi ngày cùng với việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày hiện tại.
Cuối tuần trước, OPEC và Ủy ban Kỹ thuật chung không phải OPEC (JTC) quyết định họp mặt vào ngày 4 - 5/2, thay vì lịch định kỳ sẽ diễn ra vào ngày 5 - 6/3 để đánh giá tác động của dịch viêm phổi do virus corona, thống nhất phương án sản lượng như hiện tại hay giảm sâu hơn để cứu giá dầu.
Một trong những thử thách chính mà nhóm OPEC+ phải đối mặt là không xác định được ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi do virus sẽ lớn tới mức nào.
 OPEC và Nga đang cân nhắc giảm sản lượng nhiều hơn đế hỗ trợ giá dầu.
Trong một dấu hiệu rõ ràng cho thấy những khó khăn, phái đoàn của OPEC tham dự cuộc họp đã thông báo cuộc họp sẽ tiếp tục trong ngày 6/2.
Theo nhóm nghiên cứu JBC Energy, OPEC+ thực sự chỉ có một lựa chọn là thông báo cắt giảm sản lượng mạnh hơn, khi giá dầu có thể tiếp tục giảm, do việc kiểm soát dịch bệnh vẫn gặp khó khăn.
Azlin Ahmad, biên tập viên về dầu thô tại Argus Media, nhận định rằng OPEC sẽ phải đưa ra một quyết định cắt giảm lớn nếu liên minh này muốn đẩy giá dầu tăng trở lại. “Việc cắt giảm 500.000 thùng mỗi ngày có thể không hỗ trợ nhiều để giúp giá dầu phục hồi trong thời gian ngắn nếu nhu cầu ở Trung Quốc tiếp tục giảm.
Theo biên tập viên Ahmad, nếu OPEC muốn việc cắt giảm sản xuất dầu phát huy hiệu quả tốt nhất, tổ chức này có khả năng phải cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần