Thị trường dầu mỏ “ngóng” quyết định quan trọng của OPEC+

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - OPEC+ được kỳ vọng sẽ quyết định “bơm” thêm dầu ra thị trường sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi liên minh này tăng mạnh nguồn cung.

Các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi thông tin từ cuộc họp chính sách trong tuần này của Tổ chức Các nước xuất khầu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, về việc điều chỉnh nguồn cung. Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng của nhóm OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 3/8 để quyết định về sản lượng của tháng 9.

Giá dầu đi xuống trước thềm cuộc họp của OPEC+

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên ngày 1/8. Ảnh: AP
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên ngày 1/8. Ảnh: AP

Giá “vàng đen” đi xuống trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho cuộc họp tuần này của các quan chức năng lượng của nhóm OPEC+ về việc điều chỉnh nguồn cung. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 1,19 USD, tương đương 1,1%, xuống 102,78 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ ở mức 97,19 USD/thùng, sụt 1,43 USD (khoảng 1,5%).

Hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong tháng 7/2022 tăng ở mức thấp nhất trong 10 tháng, theo số liệu công bố ngày 1/8. Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận xét, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất giảm của Trung Quốc là yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu trong phiên ngày 1/8.

Tính chung trong tháng 7 vừa qua, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều chứng kiến tháng giảm thứ hai liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2020 do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn, gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái xói mòn nhu cầu đối với nhiên liệu.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết doanh số bán nhiên liệu cho ô tô ở Anh đang suy yếu, trong khi nhu cầu xăng dầu vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm. 

Đánh giá về thị trường nhiên liệu trong những tháng còn lại của năm nay, các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters lần đầu tiên hạ mức dự báo đối với giá dầu kể từ tháng 4, theo đó giá dầu Brent trong năm 2022 sẽ giảm xuống mức 105,75 USD/thùng và  101,28 USD đối với dầu WTI.

Trước đó, Ả Rập Saudi - nước đóng vai trò lãnh đạo của OPEC, cũng nêu quan điểm thận trọng đối với triển vọng phục hồi của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Phát biểu tại một sự kiện về năng lượng hôm 19/7, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan nói rằng thỏa thuận về chính sách của liên minh OPEC+ đang phát huy hiệu quả, đồng thời khẳng định nước này sẽ phối hợp trong điều hành sản lượng dầu mỏ với các nhà sản xuất khác trong liên minh, bao gồm cả Nga.

OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng

Nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital đánh giá: "Trong khi chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Ả Rập Saudi không giúp thị trường nhiên liệu được bổ sung thêm nguồn cung từ OPEC+ ngay lập tức, chúng tôi tin rằng vương quốc dầu mỏ sẽ đáp lại lời kêu gọi của ông Biden bằng cách tiếp tục tăng dần sản lượng".

Theo hãng tin AFP, cơ quan nghiên cứu Energy Aspects có trụ sở tại London, cũng kỳ vọng OPEC+ có thể điều chỉnh thỏa thuận sản lượng hiện tại để bơm thêm nhiều dầu hơn ra thị trường.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo thị trường không nên kỳ vọng vào bất kỳ quyết định nào về việc tăng mạnh sản lượng của nhóm OPEC+.

“OPEC+ sẽ xem xét đến lợi ích của Nga - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong liên minh - hoàn toàn trái ngược với lợi ích của Washington” nhà phân tích Tamas Varga tại của PVM Energy cho hay.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait hôm 31/7, Tổng thư ký mới của OPEC Haitham al-Ghais nói rằng Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng cho thành công của các thỏa thuận về chính sách sản lượng của nhóm OPEC+. Ông Al-Ghais khẳng định OPEC không cạnh tranh với Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow là “nhà sản xuất năng lượng lớn và có ảnh hưởng cao trên bản đồ năng lượng thế giới".

Theo các nguồn tin của OPEC+, liên minh này nhiều khả năng sẽ xem xét giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9 tới bất chấp lời kêu gọi về việc tăng mạnh sản lượng từ Mỹ. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng liên minh do Ả Rập Saudi và Nga đứng đầu có thể thảo luận về mức tăng khiêm tốn tại cuộc họp giữa tuần này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần