Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường “hoang mang” khi FED cắt giảm QE3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp đầu tiên dưới sự chủ trì của tân Chủ tịch Janet Yellen, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục thu nhỏ quy mô của gói nới lỏng định lượng (QE3) được áp dụng hơn một năm nay xuống còn 55 tỷ USD/tháng.

 Động thái này của FED chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường toàn cầu và các nền kinh tế mới nổi. 

Trước những dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế, sự hồi phục chậm chạp của thị trường bất động sản, FED cho rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn đang đi đúng hướng và các điều kiện trên thị trường lao động đang tiếp tục được cải thiện. Vì thế, FED quyết định tiếp tục cắt giảm thêm 10 tỷ USD của QE3, từ 55 tỷ USD/tháng thay vì 65 tỷ USD/tháng như trước đây. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, ngân hàng T.Ư thắt chặt các biện pháp kích thích và động thái này đã thu hẹp quy mô QE3 từ 85 tỷ USD trong năm ngoái xuống còn 55 tỷ USD/tháng. Số tiền cắt giảm sẽ được dùng mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp, nhằm duy trì lãi suất thấp để kích thích đầu tư và vay mượn, cải thiện điều kiện lao động.
Tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen tại cuộc họp đầu tiên của FED.     Ảnh: AFP
Tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen tại cuộc họp đầu tiên của FED. Ảnh: AFP
Về chính sách lãi suất cơ bản, FED tuyên bố sẽ tiếp tục giữ lãi suất thấp kỷ lục từ 0 - 0,025% bất chấp tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống dưới mức 6,5% và tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2% mà FED đặt ra cuối năm 2012. Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch FED Janet Yellen cũng để ngỏ khả năng sẽ chấm dứt gói cứu trợ QE3 vào cuối năm nay và bắt đầu nâng lãi suất cơ bản nếu các điều kiện kinh tế cho phép. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, nếu QE3 kết thúc đúng như dự kiến vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 12, thì lần nâng lãi suất đầu tiên của FED có thể diễn ra vào khoảng tháng 4/2015, tức sớm hơn so với kỳ vọng của thị trường là vào nửa cuối năm 2015.

FED đã giữ lãi suất cận 0 kể từ cuối năm 2008 và bơm hơn 3.000 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các gói nới lỏng định lượng đã giúp chỉ số S&P 500 tăng 178%. Vì thế, quyết định cắt giảm lượng tiền bơm ra thị trường và có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của FED đã khiến các nhà đầu tư lo ngại, thị trường hoang mang. Theo các chuyên gia, động thái này làm giảm kỳ vọng cung thanh khoản đồng USD trong tương lai, khiến nguồn vốn đầu tư đã đổ vào các thị trường mới nổi trước đây có xu hướng bị rút bớt và quay trở lại Mỹ. Kết quả là nhiều chỉ số chủ lực tại thị trường chứng khoán mới nổi đã đồng loạt ngả sắc đỏ, trong khi giá vàng thế giới xuống còn 1.341 USD/ounce cho các hợp đồng giao tháng Tư - mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua. Hiện chưa rõ lộ trình và quy mô của lần cắt giảm tiếp theo mà FED sẽ thực hiện nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ chịu một "cú sốc" không nhỏ.