Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 25.351 xe, tăng 24% so với tháng 8/2018 và tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, cả 2 phân khúc xe lắp ráp và nhập khẩu đều có sự tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.325 xe, tăng 16% so với tháng trước trong khi số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 8.026 chiếc, tăng 42% so với tháng trước.
Các tháng trước, đa số khách hàng có tâm lý chờ xe nhập khẩu. Tuy nhiên, trong tháng 9/2018, hầu hết các mẫu xe, nhất là mẫu xe giá rẻ như: Toyota Wigo, Rush, Avanz hay Mitsubishi Xpander đã về Việt Nam khiến nhiều người quyết định mua xe, đây chính là một trong những lý do giúp thị trường ô tô khởi sắc.Giám đốc Khối dịch vụ Toyota Thăng Long Phạm Quốc Hiển |
Thực tế tiêu thụ xe ô tô trong tháng 9 cho thấy, nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ ô tô “nóng" lên là do sau một thời gian dài bị ách tắc vì phải hoàn tất các thủ tục liên quan đến những quy định mới theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, hoạt động nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về Việt Nam đã được khai thông. Đồng thời, các hãng xe như Toyota, Mitsubishi... đã đưa ra thị trường nhiều mẫu xe giá rẻ thu hút người mua khiến lượng ô tô nhập khẩu bắt đầu ồ ạt trở lại thị trường, đưa tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước trong tháng 9 đạt gần 11.200 chiếc, trong đó ô tô con hơn 7.100 chiếc. Đây là tháng Việt Nam nhập khẩu xe các loại với số lượng cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, các hãng ô tô trong nước đã có thêm một số mẫu mã mới, góp phần kích cầu, giúp thị trường tìm lại đà tăng trưởng sau một thời gian ảm đạm.
Bán ô tô kiểu "bia kèm lạc"Thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về Việt Nam đã được khai thông nhưng lượng xe ô tô nhập khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng các đại lý bán xe buộc người tiêu dùng muốn nhận xe sớm phải chấp nhận lắp thêm phụ kiện.
Anh Nguyễn Đức Hùng ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng phản ánh, anh dự định mua chiếc Toyota Rush vừa ra mắt tại thị trường Việt Nam vào cuối tháng 9/2018 với giá niêm yết là 668 triệu đồng. Tuy nhiên, khi liên hệ đại lý tại Hà Nội, anh được đề nghị muốn nhận xe nhanh phải mua gói phụ kiện gồm camera hành trình, bảng hiển thị tốc độ, bộ cảnh báo điểm mù, dán phim cách nhiệt, phủ gầm... lên tới 60 triệu đồng. Cộng thêm các khoản thuế, phí theo quy định dẫn đến chi phí lăn bánh của chiếc Toyota Rush ra biển ở Hà Nội sẽ phải chi hơn 800 triệu đồng. Trong khi với số tiền này, nếu chi thêm khoảng 100 triệu đồng nữa, anh có thể mua được chiếc Isuzu Mu.X 1.9 AT 4x2 máy dầu 7 chỗ, hoặc mua Hyundai Tuson.
Không chỉ Toyota yêu cầu người mua phải chấp nhận gói phụ kiện mà nhiều thương hiệu xe cũng sử dụng chiêu bán hàng tương tự. Chẳng hạn như Ford Explorer 2018, khách hàng muốn nhận xe sớm phải mua thêm gói phụ kiện trị giá 270 - 300 triệu đồng. Tương tự, xe Ford Everest phiên bản nâng cấp có giá niêm yết dao động từ 1,112 - 1,399 tỷ đồng, tuy nhiên khách hàng sẽ phải chi thêm 100 - 150 triệu đồng phụ kiện với 3 phiên bản Trend, Titanium 4x2 và Titanium 4WD để nhận xe sớm, hoặc phải chờ đến cuối năm. Ngay cả hãng xe với không ít mẫu khá "ế ẩm" là Mitsubishi cũng xuất hiện "đề xuất mua phụ kiện" từ 30 - 40 triệu đồng với sản phẩm mới Mitsubishi Xpander, nếu khách muốn có xe sớm.
Nhiều khách hàng cho biết, bài ép khách mua phụ kiện được các đại lý đưa ra là trước tiên cho nhân viên kinh doanh thông báo khó có xe giao ngay và đưa ra gợi ý lắp thêm phụ kiện để nhận xe sớm. Nếu khách đồng thuận, đại lý sẽ tìm kiếm những hợp đồng khách huỷ để giao xe. Như vậy, phải chăng đây là chiêu "găm hàng" để tối ưu hóa lợi nhuận của các đại lý. Không chỉ có vậy, giá bán các phụ kiện tại đại lý thường cao hơn từ 1,5 - 2 lần ở bên ngoài đối với những sản phẩm cùng loại phổ biến và dễ kiếm.
Nói về hiện tượng này, các chuyên gia bán lẻ có chung đánh giá: Việc các hãng xe quảng cáo xe với giá thấp, tới đại lý thì người tiêu dùng phải bỏ ra chi phí nhiều hơn là dấu hiệu lừa dối, không sòng phẳng, thiếu đạo đức kinh doanh.