Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường tài chính thế giới vẫn chịu nhiều sức ép

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tin không mấy tốt lành từ thị trường lao động Mỹ và kinh tế châu Âu khiến euro tiếp tục mất giá so với đôla. Trong khi đó, vàng và dầu thô cũng chưa thoát xu hướng đi xuống.

KTĐT - Thông tin không mấy tốt lành từ thị trường lao động Mỹ và kinh tế châu Âu khiến euro tiếp tục mất giá so với đôla. Trong khi đó, vàng và dầu thô cũng chưa thoát xu hướng đi xuống.

Một cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và ngân hàng trung ương nhóm 7 nước giàu nhất thế giới đã bắt đầu khai mạc vào cuối ngày thứ 6 tại Iqaluit, phía bắc Canada. Chủ nhà của buổi họp, Bộ trưởng tài chính Canada Jim Flaherty cho biết họ sẽ thảo luận về đà phục hồi kinh tế toàn cầu, nguy cơ nợ công tăng mạnh, các quy định ngân hàng, tỷ giá hối đoái và giải trừ nợ cho Haiti.

Quốc hội Bồ Đào Nha vừa bác bỏ kế hoạch kinh tế "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ nước này đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng nợ quốc gia. Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp, sự kiện này khiến mối lo ngại của các nhà đầu tư về tình hình tài chính của các quốc gia châu Âu tăng cao trở lại.

Kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục suy giảm quý thứ 6 liên tiếp trong 3 tháng cuối năm vừa rồi, theo báo cáo đưa ra hôm qua. Mặc dù vậy, đà xuống dốc đang ngày càng chậm lại, với tốc độ tăng trưởng âm chỉ 0,1% trong quý 4/2009, so với con số 0,3% của quý trước đó. Cho cả năm 2009, nước này thụt lùi 3,6%. Tây Ban Nha là một trong những thành viên chậm chạp nhất trong quá trình phục hồi, trong nhóm các nước lớn tại châu Âu.

Thủ tướng nước này Jose Luis Rodriguez Zapatero ngày hôm qua tỏ ra bất bình khi chỉ trích các nhà phân tích bên ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu là nguyên nhân gây áp lực lên đồng tiền. "Có rất nhiều nhà phân tích suốt ngày đi nhận xét về đồng euro cũng như các đồng tiền mạnh khác, nhưng điều đáng lo ngại là họ lại đến từ những nước không thuộc trong nhóm các đồng tiền này", ông phát biểu tại cuộc họp báo. Giới phân tích cho rằng ông đang ám chỉ các chuyên gia phân tích đến từ Anh và Mỹ. Thủ tướng Tây Ban Nha khẳng định sẽ bảo vệ đồng euro trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bộ Lao động Mỹ cho biết có thêm 20.000 người Mỹ mất việc trong tháng 1/2010. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm xuống mức 9,7% so với con số 10% của tháng 12/2009.

Tại Mỹ, Chính quyền Tổng thống Obama đang thúc giục Quốc hội nước này thông qua kế hoạch nới lỏng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo thêm việc làm trong giai đoạn đầu năm 2010. Trước đó, trong tháng 1, Thượng viện nước này đã thông qua kế hoạch tạo việc làm mới trị giá 155 tỷ USD.

Thị trường hối đoái quốc tế nhanh chóng hấp thụ những thông tin nêu trên, khiến tỷ giá đôla Mỹ so với đồng euro tăng cao nhất kể từ tháng 5/2009. Tại New York, một euro hiện chỉ đổi được 1,3586 USD. Một bảng Anh đổi được 1,5602 USD trong khi đôla Mỹ giao dịch với yen Nhật ở mức 1 USD ăn 89,24 yen.

Vàng tiếp đà giảm giá trong đêm 5/2 với mức giảm tương đương 10,2 USD một ounce. Các đơn hàng giao tháng 4 hiện có giá 1.052,8 USD một ounce.

Dầu thô giảm giá trong ngày thứ 2 liên tiếp, đánh mất đáy 72,43 USD một thùng được lập hồi tháng 1. Tại New York, dầu thô ngọt, nhẹ, giao tháng 3 hiện có giá 71,19 USD một thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tại London mất giá tới 3,8%, còn 69,36 USD một thùng.

Chủ tịch hãng Toyota Akio Toyoda vừa đưa ra lời xin lỗi đối với khách hàng toàn cầu do những rắc rối liên quan đến kế hoạch thu hồi xe của hãng ôtô lớn nhất thế giới. Chưa tính tới mẫu xe hybrid Prius mới bị phát hiện gặp vấn đề với hệ thống phanh, tính đến ngày 21/1 vừa qua, Toyota đã phải thu hồi tổng cộng 4,5 triệu xe trên toàn cầu.

CEO Lloyd Blankfein của Goldman Sachs sẽ chỉ nhận được khoản cổ phiếu thưởng trị giá 9 triệu USD cho thành tích điều hành trong năm 2009. Lượng cổ phiếu này không được phép giao dịch trong vòng 5 năm tới và ít hơn nhiều so với mức 15-20 triệu USD từng được dự báo trước đó.