Rau xanh, thực phẩm không tăng giá
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị ngay sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn tại hệ thống chợ truyền thống như: chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), Thành Công (Ba Đình), Kim Liên (Đống Đa)... các mặt hàng thịt, thủy hải sản, rau xanh vẫn giữ nguyên giá bán mặc dù sức mua tăng cao. Cụ thể, bắp cải, su hào, cải xoong, cải xanh, cải bẹ, cà rốt, bí xanh, cà chua đều không tăng giá. Các sản phẩm này giá dao động quanh mức 15.000 - 25.000 đồng/kg. Xà lách cũng không tăng giá, khoảng 40.000 đồng/kg. Riêng các loại rau cải cúc, rau cần để ăn lẩu mặc dù sức mua tăng cao nhưng giá bán vẫn giữ nguyên 8.000 - 10.000 đồng/mớ.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống tại hệ thống chợ truyền thống, giá bán tương đương với những ngày cận Tết. Giá thịt lợn phổ biến ở mức từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, trong đó thịt lợn sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, thịt bò thăn từ 280.000 - 300.000 đồng/kg. Những ngày sau Tết mặc dù sức tiêu thụ tăng cao nhưng giá bán thủy sản vẫn giữ mức tương đương với thị trường ngày 29, 30 Tết. Hiện giá tôm lớt (loại 26 - 30 con/kg) 300.000 - 400.000 đồng/kg; cá trắm có giá 90.000 - 120.000 đồng/kg, cá chép, trắm giòn dùng ăn lẩu có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg. Đối với thực phẩm chế biến như giò lụa phổ biến từ 150.000 - 180.000 đồng/kg.
Mặt hàng hoa, quả các loại như: cam canh từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, bưởi Diễn từ 15.000 - 25.000 đồng/quả, hoa cúc từ 5.000 - 7.000 đồng/cành, hoa hồng loại có cành lộc từ 10.000 - 12.000 đồng/cành, hoa ly và hoa thược dược từ 25.000 - 35.000 đồng/cành…
Tương tự, hệ thống siêu thị cũng giữ giá bán ổn định so với thời điểm trước Tết. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn (tức 11/2) hệ thống siêu thị Co.op Mart đã mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và cam kết không tăng giá hàng hóa.
Lý giải nguyên nhân khiến giá bán rau xanh không tăng giá, Giám đốc Hợp tác xã Tiền Lệ (Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho biết do thời tiết năm nay nắng ẩm, lượng rau, củ, quả bà con trồng ra đến vụ thu hoạch còn khá lớn nên giá rau xanh, củ, quả năm nay không tăng so với mọi năm.
Quản chặt giá cả thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên năm nay nguồn cung dồi dào nên giá cả hàng hóa không tăng. Bên cạnh đó người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, đồng thời hệ thống siêu thị đã mở cửa phục vụ từ mùng 1 - mùng 2 Tết đảm bảo bình ổn giá thực phẩm tươi sống.
Chia sẻ thêm về tình hình thị trường trước và trong Tết, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, hệ thống bán lẻ đã chuẩn bị nguồn hàng tăng lên 20 - 25% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên đã thu hút rất nhiều người dân, nhất là tại các TP lớn đến mua sắm.
“Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định. Thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm” - bà Nga khẳng định.
Thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về giá đề ra.
Thực tế cho thấy, sau Tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm sẽ có xu hướng tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết, quý I/2024 và cả năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết.
Theo đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yết, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại; quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí.
Thông tin về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, đồng thời quản chặt giá cả hàng hóa sau Tết Giáp Thìn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung công tác theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa thiết yếu, mặt hàng xăng, dầu…. từ đó kịp thời điều tiết, đảm bảo đầy đủ hàng hóa, ổn định giá cả. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP để kịp thời khai thác, cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân dịp sau Tết cũng như kịp thời hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ hàng hóa dư cung do yếu tố mùa vụ. “Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành đơn vị triển khai kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn TP” - bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các DN thương mại trên địa bàn tăng trung bình 7% so với Tết 2023, trong đó doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 7 -10% tổng doanh thu bán hàng; số lượng đơn đặt hàng online tăng trung bình 15% (tại các hệ thống phân phối lớn mức tăng khoảng 40 - 50%) so với các tháng thường; tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt chiếm 50 - 60% tại các hệ thống phân phối lớn và chiếm khoảng 30 - 40% tại các cửa hàng tiện lợi nhỏ.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan