Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội: Lo lắng với môn Lịch sử

Trần Nga - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 – 2020 là môn Lịch sử. Vừa là năm học đầu tiên áp dụng thi tuyển 4 môn lại gặp phải môn học đòi hỏi khả năng học thuộc lòng và trí nhớ tốt khiến không ít học sinh lo lắng.

Lo điểm “liệt”
Được lựa chọn ngẫu nhiên theo hình thức bốc thăm, môn Lịch sử đã trở thành môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2019 - 2020. Lịch sử vốn là môn học không chỉ yêu cầu trí nhớ, sự hiểu biết mà còn đòi hỏi năng lực tư duy của học sinh. Chính vì vậy, không ít thí sinh bày tỏ lo lắng bị điểm “liệt” môn thi này.
Biết thông tin môn thi thứ tư là Lịch sử, em Phạm Hồng Nhung (học sinh lớp 9 trường THCS Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) lo lắng: “Khi ôn luyện em tập trung nhiều hơn cho môn Lý và Hóa, không nghĩ rằng sẽ vào môn Lịch sử. Bản thân em vốn không có “năng khiếu” học thuộc lòng nên thật sự đây là một thách thức lớn”.
 Học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội trong giờ ôn tập. Ảnh: Chiến Công
Theo em Nhung, không chỉ em mà rất nhiều học sinh khác trong trường đều bất ngờ với môn thi này. Đặc biệt, trong nhiều kỳ thi trước đó, Lịch sử luôn là môn có số thí sinh bị điểm liệt cao nhất nên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Trên một số diễn đàn học sinh, nhiều em còn cho rằng, thi môn Lịch sử thì nữ sẽ đỗ nhiều hơn nam vì học sinh nữ chăm học thuộc lòng hơn.
Chị Nguyễn Thanh Hòa, có con học trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam bộc bạch: “Con tôi học chuyên Hóa nên khi biết tin Lịch sử là môn thi thứ tư, gia đình tôi rất lo. Tôi và các phụ huynh đã liên hệ với cô giáo để nhờ phụ đạo mỗi tuần một buổi cho môn thi này. Đợt này hôm nào cháu cũng phải thức đến 1 giờ sáng để học bài, giờ lại học ôn Lịch sử có lẽ khỏi ngủ luôn vì môn này có nhiều chương và nội dung lắm”. Lo lắng cho môn thi Lịch sử, chiều 10/3 nhiều phụ huynh đã chạy ra các nhà sách ở cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội để mua cuốn Ôn tập thi tuyển vào lớp 10 môn Lịch sử.
Tăng tiết môn Lịch sử/tuần
Ngay sau khi biết thông tin môn thi thứ tư, các trường THCS cũng gấp rút lên kế hoạch ôn tập. Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Khắc Thành nhận xét: Đối với thi tuyển sinh vào lớp 10, môn nào cũng khó. Lịch sử là môn vừa khó vừa hay. Hay vì học sinh được trang bị kiến thức và giáo dục về tâm hồn dân tộc, lòng yêu nước rất thú vị.
“Các em học sinh của trường rất phấn khởi vì đã sớm biết được môn thi thứ tư và cũng bởi nhà trường chuẩn bị cho việc dạy, ôn môn này tương đối kỹ. Ngoài ra, thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về các sự kiện lịch sử nên đã hỗ trợ cho nhà trường và học sinh rất nhiều” – ông Thành chia sẻ và cũng cho biết, hiện nay, theo phân bố chương trình, mỗi tuần có hai tiết Lịch sử nên không thể tăng thêm được nữa. Nhưng từ tuần sau, nhà trường sẽ bố trí một buổi dạy thêm Lịch sử để giúp học sinh có thêm thời gian ôn luyện.
Tại trường liên cấp THCS&THPT Lê Quý Đôn, nhiều học sinh đã có sự chuẩn bị ôn tập. Duy chỉ một số em có ý kiến nếu vào môn khác thì thích hơn bởi Lịch sử có nhiều sự kiện phải ghi nhớ, để đạt được điểm cao không dễ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn cho biết: Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học kỳ thứ 2 chúng tôi bố trí dạy 2 tiết học Lịch sử một tuần. Sắp tới, sau khi cân đối lịch học các môn, trường sẽ tăng số buổi dạy Lịch sử để hoàn thành chương trình sớm cũng như việc ôn thi của các em học sinh đạt đúng tiến độ.
Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho hay, để thi môn Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số vận dụng thấp. Kiến thức cũng nằm chính trong chương trình lớp 9. Hơn nữa, Sở GD&ĐT cũng đã có đề thi minh họa cho môn này từ cách đây rất lâu. Do vậy, các em học sinh không nên quá lo lắng, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, coi đây như một bài kiểm tra kiến thức bình thường là có thể vượt qua.

"Để học sinh không bị điểm liệt, nhà trường phân loại dạy theo đối tượng, tập trung ôn tập kiến thức cơ bản và kiểm tra, theo dõi sự tiến bộ của học sinh để có biện pháp hỗ trợ học sinh kịp thời. Với đặc thù trường học 2 buổi/ngày, nhà trường chủ động được tăng cường thời lượng ôn tập các môn thi vào 10 cho học sinh, không cắt xén chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD& ĐT. " - Thầy Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng trường THCS – THPT Ban Mai


"Kinh nghiệm học môn Lịch sử của em là ghi chép bài đầy đủ trên lớp, áp dụng các phương pháp học sơ đồ tư duy sẽ dễ nhớ, dễ học, dễ hiểu hơn rất nhiều so với việc học thuộc lòng một cách bắt buộc. Em thường xuyên xem các dữ kiện, tư liệu lịch sử trên các ấn phẩm như sách báo, internet và thường xuyên thảo luận, tranh luận với các bạn trong giờ học nhóm trên lớp để có thể hiểu hơn về các vấn đề, các sự kiện lịch sử của dân tộc và thế giới. Việc tăng cường ôn tập và xác lập mục tiêu đạt điểm 6 - 7 sẽ là điều em hướng tới trong kỳ thi vào 10 sắp tới." - Em Phạm Hà Kim - học sinh lớp 9A1 - trường THCS Ban Mai