Thị xã Sơn Tây sẵn sàng cho phân loại rác tại nguồn

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi một số địa phương vẫn đang băn khoăn trong khâu chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn thì thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã có những bước tiến dài, sẵn sàng thực hiện quy định quan trọng này vào đầu năm tới.

Triển khai từ 2021

Từ đầu tháng 6/2024, 23 phường, xã thuộc 5 quận của TP Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm bắt đầu thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn.

Công tác tuyên truyền, tập huấn cho bà con Nhân dân về phân loại rác tại nguồn được thị xã Sơn Tây thực hiện rất tốt từ nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Quý
Công tác tuyên truyền, tập huấn cho bà con Nhân dân về phân loại rác tại nguồn được thị xã Sơn Tây thực hiện rất tốt từ nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Quý

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân thành 4 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Câu hỏi được đặt ra là, ngoài 5 quận trên, các địa phương khác đã chuẩn bị ra sao cho việc phân loại rác tại nguồn khi chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa, quy định trên sẽ chính thức có hiệu lực thi hành?

“Việc phân loại rác tại nguồn đã được thị xã Sơn Tây triển khai từ nhiều năm nay rồi” - bà Lê Thị Hằng - chuyên viên môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Sơn Tây cho biết khi được hỏi về công tác chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn của địa phương.

Theo bà Lê Thị Hằng, từ năm 2021, UBND thị xã đã xây dựng và ban hành các kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn làm phân bón cho khoảng 250 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã.

Từ những kết quả ban đầu đạt được năm 2022, UBND thị xã tiếp tục nhân rộng mô hình cho 1.000 hộ trên địa bàn 6 xã và tiếp tục duy trì cho 250 hộ năm 2021. Năm 2023 tiếp tục thực hiện nhân rộng mới cho 1.000 hộ gia đình, tính đến nay trên địa bàn thị xã đã có trên 2.250 tham gia thực hiện mô hình theo chương trình của UBND thị xã.

“Ngoài ra, các xã, phường, cơ quan đoàn thể, tổ chức hội các xã đã tích cực tuyên truyền đến các hộ gia đình trên địa bàn tham gia thực hiện” - bà Lê Thị Hằng cho hay.

Để chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, thị xã Sơn Tây đã xây dựng một quy trình thực hiện chi tiết và khoa học gồm 5 bước (gồm: bố trí khu vực đặt thùng ủ hoặc hố ủ; phân loại rác thải; xử lý chất sinh hoạt hữu cơ hàng ngày; kết thúc ủ; sử dụng rác sau khi ủ).

Trong đó, khâu quan trọng nhất là phân loại rác thải được ghi chú chi tiết với 3 loại rác rõ ràng. Rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được bỏ vào thùng ủ/hố ủ. Trong khi đó, rác tái chế gồm các loại chai lọ nhựa, đồ thủy tinh, giấy, kim loại… sẽ được cho vào bao, có thể dùng lại hoặc bán thu tiền về. Các loại rác còn lại gồm rác vô cơ, vỏ chai lọ sành sứ vỡ, vỏ ốc, sò... và các rác độc hại được phân loại khác sẽ cho vào thùng rác để thu gom về bãi xử lý rác tập trung.

Mặc dù ban đầu các hộ đều có tâm lý e dè với hiệu quả xử lý như sợ có dòi bọ, mùi, mất vệ sinh, không có nhiều rác hữu cơ để ủ... Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thấy được hiệu quả trong thời gian ngắn đã thu được nước rỉ rác thay thế cho phân đạm vô cơ để tưới rau, cây trồng... nên bà con nhiệt tình tham gia, hướng dẫn để nhân rộng.

Sẵn sàng

Để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện hiệu quả nhất, công tác tuyên truyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Xác định được điều đó, thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phân loại rác tại nguồn bằng nhiều hình thức khác nhau như: treo băng rôn, poster, tờ rơi có nội dung tuyên truyền hướng dẫn thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn...

Tầng lớp thanh niên, học sinh tham gia rất tích cực vào công tác tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác tại nguồn tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Quý
Tầng lớp thanh niên, học sinh tham gia rất tích cực vào công tác tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác tại nguồn tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Quý

Trong đó, hình thức tuyên truyền truyền thống như tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại thôn, xã nhằm hướng dẫn người dân cách thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền hiện đại như qua zalo, room, facebook... nhằm tận dụng ưu thế của công nghệ để lan tỏa thông tin cũng được sử dụng một cách hiệu quả.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được thực hiện dưới nhiều hình thức sáng tạo khác như: tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại trường học như đổi rác lấy cây xanh tại Trường Tiểu học Kim Sơn và khu dân cư thôn Kim Đái, xã Kim Sơn hay như thành lập các tổ công tác với lực lượng nòng cốt là Chi hội phụ nữ thôn, xã nhằm tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc người dân thực hiện…

Nhờ đó, chủ trương phân loại rác tại nguồn đã ngày một đi sâu vào tiềm thức và đời sống của người dân thị xã Sơn Tây. Đây sẽ là lực đẩy quan trọng để chủ trương quan trọng này được triển khai thuận lợi và thành công vào đầu năm 2025 tới.

Một trong những xã có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc phân loại rác tại nguồn của thị xã Sơn Tây là xã Cổ Đông. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Duy Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn của xã đều đã sẵn sàng.

“Chúng tôi tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho bà con về các kiến thức cơ bản của phân loại rác tại nguồn. Mỗi gia đình cũng đều được phát túi rác để bà con chủ động phân loại từ nhà, khi xe rác đến chỉ việc mang rác đã phân loại ra” - ông Nguyễn Duy Thọ cho hay.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông, ngay cả thời gian xe thu gom rác hoạt động cũng được tính toán rất kỹ càng để lựa chọn ra thời điểm phù hợp, thuận tiện nhất cho bà con.

“Cổ đông là xã có diện tích rộng, dân cư thưa nên xe rác không phải lúc nào cũng đi được mà chỉ đi vào thời điểm nhất định. Hiện nay chúng tôi đang quy định xe thu gom rác chỉ hoạt động trong khung từ 18 giờ - 21 giờ hàng ngày” - ông Thọ nói và cho biết, trong thời gian tới nếu cần thiết, khung giờ xe thu gom rác hoạt động có thể sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với giờ giấc sinh hoạt của bà con.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Nguyễn Duy Thọ, khó khăn nhất trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chính là khâu vận chuyển. Bây giờ mỗi xe thu gom rác chỉ có một thùng, tất cả các loại rác đều để chung vào trong thùng đó nên dù đã phân loại, nguy cơ lẫn lộn các loại rác vẫn có thể xảy ra. Đơn vị thu gom rác cũng từng thử ngăn thùng rác làm 2 bằng phương pháp thô sơ nhưng cách làm này chỉ mang tính chất tạm thời và không thật sự phát huy hiệu quả.

 

Việc phân loại rác tại nguồn mà triển khai tốt thì việc tái chế sẽ thuận lợi. Một bộ phận rác thải hữu ích sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác. Với quy định mới, xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều, điều này thể hiện sự công bằng xã hội.

Từ đó, mọi người sẽ có ý thức hơn, cá nhân mỗi người sẽ có ý thức trong việc hạn chế xả rác. Hơn hết, nếu hoạt động này đi vào khuôn khổ thì sẽ hình thành kỷ cương ngay từ cấp cơ sở.

Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An