Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiệt hại thực tế và thu hồi tài sản trong vụ án 43 ha đất vàng tại Bình Dương?

Theo ngaynay.vn
Chia sẻ Zalo

Cơ quan điều tra Bộ công an vừa có Kết luận điều tra, đề nghị truy tố với các cá nhân trong vụ án liên quan đến gần 190 ha đất tại Tổng công ty sản xuất – XNK Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Kết quả điều tra xác định nhiều tình tiết liên quan đến Công ty CP đầu tư và phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh) trong vụ án hình sự này.

 Thiệt hại thực tế và thu hồi tài sản trong vụ án 43 ha đất vàng tại Bình Dương?
Thỏa thuận mua bán đất của Nhà nước, tài sản chưa có thật
Dù Tổng công ty 3/2 chưa được giao khu đất 43 ha, nhưng Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Tổng công ty) đã thông tin để con rể là Nguyễn Đại Dương thành lập Công ty CP Bất động sản Âu Lạc vào ngày 22/6/2010. Ngày 01/7/2010, Công ty Âu Lạc ký Hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3/2 thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú với tổng số vốn 200 tỷ đồng để đầu tư dự án trên khu đất 43 ha, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (70%), Tổng công ty 3/2 góp 60 tỷ đồng (30 %).
Theo Hợp đồng hợp tác, Tổng công ty 3/2 sẽ được hoàn trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 570.000 đồng/m2. Nguyễn Đại Dương khai nhận số tiền 570.000 đồng/m2 thực chất là giá chuyển nhượng đất, do Tổng công ty 3/2 chưa được giao đất, không có quyền chuyển nhượng nên phải ghi như vậy.
Ngày 08/7/2010, sau khi ký Hợp đồng hợp tác, Nguyễn Văn Minh mới triệu tập họp HĐQT Tổng công ty 3/2 để thông qua, đồng thời xin chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương thành lập Công ty Tân Phú, Tổng công ty 3/2 góp vốn bằng tiền là 60 tỷ đồng (30% vốn điều lệ).
Khu đất 43 ha là của Nhà nước, phê duyệt chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương chỉ có nội dung cho phép Tổng công ty 3/2 góp vốn bằng tiền, không góp vốn bằng đất, không cho phép chuyển nhượng đất. Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương xác định khu đất 43 ha phải được bàn giao cho Công ty Impco (Doanh nghiệp Nhà nước) quản lý.
Bất chấp chủ trương của Tỉnh ủy, Tổng công ty 3/2 không bàn giao khu đất cho Impco. Không những thế, Nguyễn Đại Dương còn trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với bà Đặng Kim Oanh (Công ty Kim Oanh). Ngày 19/8/2016, Công ty Âu Lạc ký Hợp đồng hứa mua, hứa bán cho Công ty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận, chồng bà Đặng Kim Oanh, là giám đốc) toàn bộ Dự án trên khu đất 43 ha với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua lại 100% vốn Công ty Tân Phú.
Đáng chú ý, Công ty Âu Lạc cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn Công ty Tân Phú của Tổng công ty 3/2 để sở hữu 100% vốn Công ty Tân Phú và chuyển nhượng cho Công ty Thuận Lợi, nếu không thực hiện đúng, Công ty Âu Lạc sẽ bồi thường cho phía bà Đặng Kim Oanh 800 tỷ đồng. Tại thời điểm này, khu đất 43 ha vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước, chính Tổng công ty 3/2 phải bàn giao và không có quyền chuyển nhượng khu đất, Công ty Âu Lạc không có quyền sở hữu, không có thỏa thuận gì với 30% cổ phần của Tổng công ty 3/2.
Tiếp tục bất chấp pháp luật và yêu cầu bàn giao đất, ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh tổ chức họp HĐQT Tổng công ty 3/2 quyết định chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận với Công ty Âu Lạc từ 6 năm trước (2010) là 570.000 đồng/m2. Nguyễn Văn Minh đại diện Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho Công ty Tân Phú với tổng giá 250 tỷ đồng. Cho dù Công ty Tân Phú mới thanh toán được 140 tỷ đồng, Tổng công ty 3/2 vẫn đề nghị sang tên và bàn giao Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty Tân Phú.
Trong quá trình lập báo cáo tài chính kế toán năm 2016, Tổng công ty 3/2 đã cố tình hạch toán sai để che dấu việc chuyển nhượng đất,.
Để đi đến cùng việc chuyển 43 ha đất cho phía bà Đặng Kim Oanh, Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỷ đồng. Khi Công ty Âu Lạc chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền nào, Tổng công ty 3/2 vẫn xác nhận đã thanh toán xong để Công ty Âu Lạc hoàn tất thủ tục sở hữu 100% vốn Công ty Tân Phú nhằm sớm chuyển nhượng cho phía bà Đặng Kim Oanh. Đúng kế hoạch đã lập ra, sau khi sở hữu 100% vốn, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất cho Công ty Kim Oanh với mức giá vô lý 350 tỷ đồng, thấp hơn số tiền thực tế Công ty Âu Lạc bỏ ra cho toàn bộ kế hoạch bất chấp pháp luật (?).
Thiệt hại thực tế và thu hồi ra sao?
Hội đồng định giá xác định giá khu đất 43 ha tại thời điểm tháng 12/2016 là 552,9 tỷ đồng, so với giá chuyển nhượng 250 tỷ cho Công ty Tân Phú, số tiền thiệt hại là 302,8 tỷ đồng. Theo nhận định của một luật sư, số tiền thiệt hại này được tính vào thời điểm phạm tội, để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Thiệt hại thực tế của Nhà nước lớn hơn rất nhiều vì khu đất 43 ha là của Nhà nước, đã được chuyển trái pháp luật cho Công ty Tân Phú, chủ thực sự là Công ty Kim Oanh. Theo một chuyên gia bất động sản, đất tại khu vực này hiện có giá hàng chục triệu đồng/m2, khu đất 43 ha hiện có giá trị đến nhiều nghìn tỷ đồng.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật thì vô hiệu. Khu đất 43 ha là của Nhà nước, Tổng công ty 3/2 không được phép chuyển nhượng mà phải bàn giao cho Impco quản lý theo yêu cầu của Tỉnh ủy Bình Dương. Ngay cả khi lô đất được Tỉnh ủy Bình Dương cho phép chuyển nhượng thì cũng phải qua đấu giá để đạt được giá cao nhất, đem lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.
Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng liên doanh với Công ty Âu Lạc để đầu tư trên khu đất 43 ha, làm cơ sở cho việc chuyển nhượng khu đất này cho Công ty Tân Phú là trái pháp luật vì thời điểm này khu đất chưa được giao cho Tổng công ty 3/2. Nguyễn Đại Dương lấy tư cách Công ty Âu Lạc thỏa thuận chuyển nhượng dự án kèm khu đất này cho phía Công ty Kim Oanh cũng là trái pháp luật vì thời điểm này Công ty Tân Phú, thậm chí cả Tổng công ty 3/2 không có quyền gì với khu đất, Công ty Âu Lạc không sở hữu 100% Công ty Tân Phú.
Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất từ Tổng công ty 3/2 cho Công ty Tân Phú là vô hiệu, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Công ty Tân Phú có nghĩa vụ phải biết và phải chịu trách nhiệm về việc giao kết hợp đồng trái pháp luật, nhằm trục lợi trái pháp luật tài sản Nhà nước. Công ty Kim Oanh mua lại vốn góp Công ty Tân Phú thì phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của Công ty Tân Phú.
Kết luận điều tra xác định Tổng công ty 3/2 đã nộp cho Cơ quan điều tra số tiền được coi là thiệt hại của vụ án. Việc nộp số tiền này không có ý nghĩa biến giao dịch chuyển nhượng trái luật thành hợp pháp, dẫn đến Công ty Kim Oanh vẫn sở hữu Công ty Tân Phú với khu đất 43 ha, hưởng lợi trái pháp luật từ khu đất có giá hàng ngàn tỷ đồng này.
Thiệt hại thực tế của vụ án chỉ được khắc phục khi toàn bộ khu đất được thu về cho Nhà nước, nếu giao cho nhà đầu tư mới thì phải thông qua thủ tục bán đấu giá.
Với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, rất nhiều các đại án khác như như AVG, Sadeco … tài sản của Nhà nước bị chuyển nhượng trái pháp luật đều đã bị thu hồi. Dư luận cũng đang chờ đợi động thái của các cơ quan có thẩm quyền để thu hồi lại khu đất này để bảo vệ tài sản của nhà nước không bị nguy cơ thất thoát. Được biết, hiện Cơ quan điều tra cũng xác định còn nhiều dấu hiệu sai phạm của các đối tượng có liên quan, sẽ tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm.
Quá trình điều tra thu giữ và trích xuất dữ liệu trên điện thoại của Trần Nguyên Vũ (đã từng là PTGĐ, TGĐ, Chủ tịch Tổng công ty 3/2) có tin nhắn với tài khoản “Kim Oanh 2” về tập tin Hợp đồng hứa mua, hứa bán giữa Công ty Âu Lạc và phía bà Đặng Kim Oanh (Công ty Thuận Lợi). Phía Công ty Kim Oanh cũng được xác định đã chuyển 20 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Đại Dương, dù Nguyễn Đại Dương không phải là bên bán cổ phần.