Thiếu chiến lược căn cơ, cụ thể

Thanh Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tham gia vào quá trình làm chính sách tại 20 quốc gia ở châu Á và châu Phi, nói thật lòng chính sách công nghiệp của các bạn không tốt lắm” - đó là chia sẻ của GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Chẳng nói đâu xa, đơn cử, chiến lược phát triển ngành cơ khí, mỗi khi Bộ Công Thương họp về phát triển ngành này là không ít các DN được dịp bùng nổ nhiều bức xúc, đau đáu, mong mỏi và cả những thất vọng. Do vật liệu cơ bản trong nước không sản xuất được nên nhiều DN cơ khí khi có được hợp đồng làm tổng thầu EPC hầu hết đều phải nhập khẩu gần như 100% vật liệu. Kể cả những máy móc nói là của Việt Nam thì vật liệu cũng đều phải nhập. Vì phụ thuộc nên giá thành cao quá, nhiều DN trong nước không chen chân nổi trong đấu thầu. Những hạn chế đó có nguyên nhân không nhỏ từ việc xây dựng và thực hiện các chính sách. Chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia ra đời từ năm 2002, nhưng đến năm 2014, tính theo giá trị, ngành cơ khí trong nước mới đạt hơn 263.000 tỷ đồng, đáp ứng được 31,12% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đáp ứng 40 - 50% mà Bộ Chính trị đã đặt ra từ năm 2003.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thông tin cốt lõi không có hoặc chưa rõ trong khi chủ trương và mục tiêu quá nhiều là những hạn chế được chỉ ra trong việc xây dựng các chiến lược, chương trình kế hoạch. Nhiều chương trình phát triển công nghiệp đưa ra 18 – 20 mục tiêu trong khi chỉ nên lựa chọn 1 – 2 mục tiêu để tập trung ưu tiên. Mục tiêu nhiều nhưng lại thiếu kế hoạch hành động và cơ chế giám sát. Bên cạnh đó, khung thời gian lại quá xa, nhiều chương trình tới tận năm 2035, trong khi thời buổi hội nhập hiện nay, 2025 còn chưa biết như thế nào. So sánh việc xây dựng chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển công nghiệp của một số quốc gia ngay trong khu vực cũng đã thấy sự hạn chế này. Đơn cử như tầm nhìn của Malaysia năm 2020 là “đạt thu nhập cao, mang tính toàn diện và bền vững”; Thái Lan đưa ra tầm nhìn “Trở thành một Detroit (một TP lớn của Mỹ được biết đến như là trung tâm ô tô truyền thống của thế giới)” rất rõ ràng, ngắn gọn và dễ nhớ...

Trong khi đó, ngay trong chính sách mới nhất về phát triển công nghiệp Việt Nam (được phê duyệt năm 2014), có quá nhiều ngành ưu tiên để phát triển. Hầu hết các ngành đều có tên nhưng điều đáng buồn do không có kế hoạch hành động nên đến nay, mặc dù mỗi năm cả nước nhập khẩu 18 triệu tấn thép (tương đương 7 tỷ USD) nhưng chưa có DN trong nước nào có thể sản xuất trọn vẹn một sản phẩm thép. Và mới chỉ có 10 DN tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung…

“Việt Nam chỉ nên tập trung vào 2 - 5 ngành ưu tiên là đủ và phải đưa ra với căn cứ dữ liệu rõ ràng để hậu thuẫn”, đó cũng là khuyến cáo của GS Ohno đưa ra mà những nhà hoạch định chính sách rất cần lưu tâm và cũng là kinh nghiệm mà nhiều nước công nghiệp phát triển đã phải trải qua.