Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu liên kết, doanh nghiệp khó hưởng lợi từ CPTPP

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu chỉ đơn lẻ một mình DN sẽ khó đứng vững, nhưng nếu biết liên kết, có tầm nhìn dài hạn DN sẽ tận dụng được cơ hội và hưởng lợi từ CPTPP… Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia, đại diện DN đưa ra tại Hội thảo "CPTTP: Cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam" diễn ra mới đây.

Không thể "đơn thương độc mã"
Các chuyên gia chỉ ra rằng, CPTPP hứa hẹn là động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu. Việc thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh của DN, tăng cường sự chủ động sẽ giúp DN phát triển... Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), CPTPP mang đến nhiều cơ hội cho DN Việt khi các quốc gia đưa mức thuế suất về 0%, giảm thiểu hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
 Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Nhựa Hạ Long, khu Công nghiệp Sóc Sơn. Ảnh: Hải Linh
DN cũng có thể tiếp cận được các công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất và nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế và chính sách cạnh tranh bình đẳng, những hỗ trợ và ngoại lực hữu ích khác…

Theo Bộ Công Thương, hiện 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30/12/2018. Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11/2018 và thông báo cho New Zealand vào ngày 15/11/2018. Hiệp định này sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.

Tuy nhiên, tham gia các FTA thế hệ mới cũng khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực, trong đó có sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà, bản thân nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng và bị động; Sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ; Giảm mức thuế, dịch chuyển và xói mòn cơ sở thuế; Sức ép vượt các hàng rào kỹ thuật (TBT), hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khắt khe, tốn kém thời gian tiền của… Đặc biệt PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: "Điểm yếu của DN Việt trong các năm qua là tự thân khó có thể giải quyết. Thách thức với DN đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng thác thức lớn nhất hiện nay là DN phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của hội nhập CPTTP cho chính DN mình. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ thì DN không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó".

Liên kết để cạnh tranh

Ngoài vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra: "DN “đơn thương độc mã” khi tham gia CPTPP sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, DN trong cùng ngành hàng cùng liên kết là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề. Dưới góc độ DN, Giám đốc Công ty Eltek Việt Nam Phạm Mạnh Cổn cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định DN tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, bên cạnh đó phải tăng cường kết nối với nhau.

Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cũng cho rằng, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các DN nhỏ và vừa rất hạn chế. “Vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của DN. Việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp DN tiếp cận thông tin chính thống, kết nối net-working. Nếu DN không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin. Nhà nước cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistic khi xuất khẩu” - bà Xuân kiến nghị.

"Khi miếng bánh thị phần mở rộng, mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì chúng ta cũng không được chia phần. Ngành da giày, túi xách hướng đến đẩy kim ngạch xuất khẩu lên gấp 2 lần (20%) khi tham gia CPTPP." - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân