Nhiều khó khăn, vướng mắc
Huyện Chương Mỹ có hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó mới chỉ có 241 cơ sở có giấy phép kinh doanh. Trên địa bàn huyện còn có 296 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhưng chỉ có 23 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh (chưa đạt 1%). Qua kiểm tra, toàn huyện có 31/60 cơ sở đạt loại C, chỉ có 17 cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận. Điều đáng nói, hầu hết các xã trên địa bàn đều không có cán bộ chuyên môn phụ trách về ATTP nên công tác kiểm tra vẫn phụ thuộc vào các cán bộ thú y, BVTV cơ sở. Trong khi đó, đa số cán bộ cấp xã chưa nhận thức đầy đủ và có kiến thức về ATTP nên hàng tháng, hàng quý đều không có báo cáo theo quy định. Mặt khác, đến nay huyện vẫn chưa đưa được cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư. Mặc dù huyện đã kêu gọi DN đầu tư vào xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, song vẫn chưa có DN nào tham gia.
Không chỉ ở ngoại thành mà ở khu vực nội thành, công tác quản lý chất lượng ATTP cũng gặp không ít khó khăn. Theo đại diện Phòng Kinh tế quận Hoàng Mai: "Quá trình đô thị hóa kéo theo tình trạng kinh
doanh theo kiểu vãng lai, mùa vụ. Đặc biệt, công tác hậu kiểm sau cấp giấy chứng nhận còn nhiều bất cập".
Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Long Biên cho biết, qua kiểm tra thực tế, hầu hết các mặt hàng thủy sản tại chợ đều không có hóa đơn và giấy chứng nhận kiểm dịch Thú y. Sản phẩm của các lô hàng nhập khẩu có trọng lượng trung bình 10 – 15 tấn nhưng khi về tới chợ các lô hàng đã bị chia nhỏ cho các chủ kinh doanh. Điều này gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra khi truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản, Hà Nội luôn xác định đảm bảo ATTP phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, TP đã giao cho Sở NN&PTNT thực hiện dự án "Bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2012 – 2015"; Xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình chuỗi ATTP; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tham gia sàn giao dịch nông sản; Đẩy mạnh việc tạo lập thương hiệu cho hàng hóa nông sản. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, để công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm đạt hiệu quả, 3 sở gồm: NN&PTNT, Công Thương và Sở Y tế cần tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP; Thành lập tổ liên ngành phối hợp với các quận, huyện xử lý các sự cố xảy ra tại cơ sở. Cùng với đó, công khai kết quả kiểm tra, giám sát, phân loại các cơ sở SXKD trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, để khắc phục những tồn tại yếu kém công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Sở NN&PTNT cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, trọng tâm là thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Thông tin đúng mức về mức nguy hại, tránh kiểu "thổi phồng" gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng xấu đến khâu tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở SXKD. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư đào tạo chuyên môn cho các cán bộ kỹ thuật ở cấp xã, phường. Tổ chức, kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở SXKD sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.
Kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tại quầy thực phẩm chín - chợ Hà Đông.
|
Trong năm 2014, Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra giám sát và lấy 1.292 mẫu (277 mẫu thịt gia súc, gia cầm; 562 mẫu rau, quả; 90 mẫu chè, 363 mẫu thủy sản). Kết quả cho thấy, có 70/1.154 mẫu vượt mức giới hạn tối đa cho phép các chỉ tiêu phân tích vi sinh và hóa lý chiếm 6,07%, giảm 4,73% so với năm 2013. |