Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq: Chọn “anh em xa” hay “láng giềng gần”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành động triển khai quân đến Iraq đang biến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên ngày càng đơn độc trong khu vực khi liên tục “gây hấn” với các quốc gia láng giềng.

Khi các mâu thuẫn với Nga về việc bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 chưa được giải quyết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục “gây hấn” với láng giềng Iraq - triển khai 150 binh lính và 25 xe tăng đến một căn cứ ở Iraq mà không có sự chấp thuận của chính quyền Baghdad.
Khoảng 150 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai thêm tại Iraq.
Khoảng 150 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai thêm tại Iraq.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ giải thích, việc triển khai quân tại Iraq ngày 4/12 chỉ là một hoạt động tăng cường lực lượng nhằm bảo vệ những người huấn luyện lực lượng người Kurd tại Iraq. Nhưng theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ đã không che giấu ý đồ đặt tầm ảnh hưởng của mình đối với cục diện Trung Đông khi triển khai quân ở Iraq.

Tuy nhiên, trái với mong muốn, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đánh mất đi mối quan hệ với Iraq, và tự đẩy mình vào thế cô lập đầy nguy hiểm với các nước trong khu vực.

Bởi vừa qua, mâu thuẫn với Nga do việc bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 chưa được giải quyết đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ trong thế đối lập với Syria - một đồng minh thân cận của Nga tại Trung Đông. Còn ở phía Đông, nước này cũng không qua lại với Armenia - quốc gia có một căn cứ quân sự của Nga ở ngay sát biên giới. Ở phía Tây, các vùng biển ngoài khơi Libya ngày càng trở nên nguy hiểm đối với bất cứ tàu thuyền Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nam, chính quyền Ankara cũng đã từng tuyên bố không công nhận chính quyền hậu đảo chính quân sự ở Cairo, Ai Cập.

Việc bất đồng với gần như đa số các quốc gia láng giềng khiến nhiều người thêm lo ngại về tình hình đã vốn phức tạp tại khu vực Trung Đông, vẫn được ví như thùng thuốc súng, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào.

Một số sự đáp trả về mặt quân sự đã được đề cập. Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili đã gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là hành vi xâm lược và kiến nghị Chính phủ điều máy bay không kích các vị trí quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập. Hadi al-Ameri, chỉ huy lực lượng Badr của người Shiite ở Iraq, đã thề sẽ chiến đấu chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tiếp tục triển khai quân ở nước này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, sự hậu thuẫn từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tự tin vào hành động lần này của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo, lựa chọn “anh em xa” của Ankara chưa chắc đã hiệu quả khi lập trường của phương Tây với các đối tác có thể thay đổi tùy theo tác động bên ngoài. Bằng chứng là, phản ứng của phía Mỹ có vẻ không như Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi. Ông Brett McGurk - đặc phái viên Chính phủ Mỹ tại liên quân chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố: "Mỹ không ủng hộ việc triển khai lực lượng quân sự trong lãnh thổ Iraq mà không được sự chấp thuận". Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cũng tái khẳng định lập trường trên.

Và khi những đồng minh này quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ, việc đánh mất láng giềng sẽ khiến Ankara rơi vào thế hoàn toàn bị cô lập.