Nằm gần tỉnh Tây Bắc Syria là Latakia - nơi có căn cứ Hmeymim mà lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga hiện đang đồn trú và căn cứ bảo đảm hải quân Nga là Tartus, đồng thời cách thủ phủ không chính thức của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria là Raqqa chỉ khoảng 460km nên căn cứ Incirlik có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, Incirlik vẫn bị Ankara tận dụng để thể hiện ý chí và chiến lược ngoại giao quân sự. Chỉ ít giờ sau khi dập tắt cuộc đảo chính quân sự hôm 15/7 vừa qua, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức áp đặt lệnh phong tỏa an ninh tại căn cứ này, cấm tất cả các máy bay quân sự của Mỹ và đồng minh cất cánh. Đây được coi là động thái phản ứng trước việc Washington từ chối dẫn độ giáo sĩ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen, bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính. Cùng thời điểm, Ankara lại nhiều lần bóng gió rằng sẽ cho phép các máy bay chiến đấu Moscow cất cánh từ căn cứ này để không kích các mục tiêu IS ở Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 4/7 đã “không loại trừ” khả năng Ankara cho phép Nga sử dụng căn cứ Incirlik giống như các đồng minh trong và ngoài NATO, nhưng sau đó lại bác bỏ. Vừa qua Thủ tướng Binali Yildirim lại khẳng định, Ankara sẵn lòng cho phép Moscow sử dụng căn cứ không quân chiến lược này nhưng chỉ 3 ngày sau Phó Thủ tướng lại tuyên bố điều ngược lại. Giới chức Thổ giải thích truyền thông “hiểu nhầm” những tuyên bố này nên phải đính chính lại. Nhưng điều rất khó xảy ra, trừ phi chính họ muốn “bị hiểu nhầm”. Trong bối cảnh quan hệ Moscow và Ankara đang ấm lên, truyền thông Nga từng khẳng định “sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian để Thổ Nhĩ Kỳ đóng căn cứ quân sự của NATO ở Incirlik và chuyển quyền sở hữu cho Nga”. Gần đây nhất, hôm 25/8, đại diện quân đội Đức cho biết có thể rút 6 máy bay trinh sát khỏi căn cứ không quân Incirlik vì Ankara liên tiếp từ chối cho phép giới chức Berlin thanh sát cơ sở này. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi giận khi quốc hội Đức thông qua một nghị quyết gọi vụ thảm sát người Armenia của quân Ottman năm 1915 là “diệt chủng” nên từ chối cho các quan chức nước này đến thăm căn cứ Incirlik. Căng thẳng giữa hai quốc gia thành viên NATO lên đỉnh điểm sau vụ đảo chính ngày 15/7 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng Đức chậm trễ trong việc lên án các cuộc nổi dậy. Trong khi giới chức Đức quan ngại vấn đề nhân quyền khi Ankara ráo riết thanh trừng các thành phần liên quan đến giáo sỹ Gulen. Trong khi Ankara vẫn dùng “chiêu bài” Incirlik quen thuộc để giành tiếng nói trên các bàn đàm phán và chi phối quan hệ với các quốc gia, “nạn nhân” khác là cuộc khủng hoảng Syria vốn chưa hạ nhiệt hơn 5 năm nay. Chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu cùng các đồng minh chống lại IS ở Syria sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ trước những động thái dền dứ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sử dụng căn cứ chiến lược Incirlik.
Căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ. |