Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến giá dầu: Chưa đủ vẫn hơn không

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tháng tiến hành cuộc chiến giá dầu lửa với nhau, Ả Rập Saudi và Nga đã đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến này và cùng với các thành viên khác của khuôn khổ Opec+ nhất trí về nguyên tắc cắt giảm khối lượng dầu lửa khai thác xuất khẩu hàng ngày.

OPEC+ là khuôn khổ diễn đàn được thành lập cách đây gần 2 năm giữa 14 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và 10 nước khai thác xuất khẩu dầu lửa khác nữa trên thế giới mà đại diện cho và lãnh đạo của hai bên là Ả rập Saudi và Nga.
Theo thỏa thuận mới đạt được này, các thành viên của khuôn khổ OPEC+, trước mắt tạm thời trừ Mexico, nhất trí cắt giảm khai thác 10 triệu thùng mỗi ngày, trong đó Ả Rập Saudi và Nga cùng nhau giảm khai thác hàng ngày 8,5 triệu thùng, đồng thời yêu cầu Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cũng cắt giảm khai thác ít nhất 5 triệu thùng hàng ngày.
 
Mexico chưa chịu đồng ý cắt giảm khối lượng khai thác 400.000 thùng hàng ngày mà mới chỉ chấp nhận có 100.000 thùng. Mức độ này được áp dụng cho 2 tháng là tháng 5 và tháng 6, từ tháng 7 đến cuối năm nay, các bên sẽ cắt giảm khối lượng khai thác 8 triệu thùng hàng ngày và từ đầu năm 2021 đến tháng 4/2021 giảm khai thác 6 triệu thùng hàng ngày.
Kết quả này về cơ bản không khác gì nội dung đã được các bên bàn thảo trong khuôn khổ OPEC+ hồi đầu tháng 3 vừa qua nhưng cuối cùng Nga không chấp thuận và vì thế Ả Rập Saudi mới phát động cuộc chiến giá dầu lửa với Nga. Ở đó bộc lộ rất rõ Ả Rập Saudi đã thất bại đến mức nào trong cuộc chiến ấy và vương triều này từ nay sẽ phải hết sức thận trọng với chủ ý lại phát động chiến tranh giá dầu với Nga.
Trên danh nghĩa, Ả Rập Saudi đã buộc được Nga phải thỏa hiệp về giảm khối lượng khai thác dầu lửa hàng ngày. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi phải cắt giảm 30% khối lượng khai thác hàng ngày hiện tại trong khi Nga chỉ phải giảm có 15%. Và Nga còn đạt được mục đích khi OPEC+ đồng thanh đòi cả các nước khai thác xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới cũng phải cắt giảm.
Nga đúng là có thỏa hiệp với Ả Rập Saudi nhưng lại buộc được Ả Rập Saudi phải nhượng bộ nhiều hơn. Nga vừa đề cao được vị thế đối với Ả Rập Saudi và Mỹ vì Mỹ cũng đã phải hối thúc Nga đi vào hòa giải với Ả Rập Saudi. Đồng thời, đạt được một mục tiêu đề ra là ép các nước khai thác xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới, trước hết là Mỹ, cũng phải cắt giảm khối lượng khai thác xuất khẩu dầu lửa hàng ngày.
Ả Rập Saudi không dám chơi sát ván tận bờ với Nga trong cuộc chiến giá dầu lần này vì giá dầu hiện tại đã giảm xuống tới mức quá thấp mà tình trạng này càng kéo dài thì mức độ thiệt hại đối với Ả Rập Saudi càng lớn trong khi cả Nga lẫn Mỹ đều có khả năng chịu đựng lâu dài hơn tác động tiêu cực của giá dầu thấp.
Hơn nữa, Ả Rập Saudi phải lưu ý đến thái độ của Mỹ. Giá dầu lửa thấp như hiện tại đẩy ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ vào thảm trạng mà tổng thống Mỹ Donald Trump lại cần sự hậu thuẫn của ngành công nghiệp này ở các bang mà ông Trump phải giành về phần thắng nếu như muốn được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.
Quyết sách mới nói trên của OPEC+ chấm dứt được sự sa sút của giá dầu lửa trên thị trường thế giới và giúp giá dầu xoay chuyển chiều hướng biến động. Chỉ có điều là mức độ cắt giảm khối lượng khai thác xuất khẩu dầu lửa như thế chưa thể đủ để có thể ổn định được lâu dài giá dầu. Dịch bệnh viên phổi cấp do virus corona gây ra đang làm cho nhu cầu về dầu lửa trên thế giới giảm đi ít nhất từ 20 đến 30 triệu thùng hàng ngày.
Dịch bệnh nay hiện chưa biết đến khi nào mới qua nên nhu cầu về dầu lửa chưa biết đến khi nào mới tăng lại. Hơn nữa, hiện cũng chưa có cái gì có thể đảm bảo được là tất cả các bên liên quan rồi đây sẽ tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận mới kia của OPEC+.
Giá dầu lửa rồi đây chắc sẽ không giảm nữa, nhưng tăng trở lại chưa thể dễ nhanh chóng được nhiêu. Thỏa thuận mới này của OPEC+ vì thế chưa thể đủ để đảm bảo cho tất cả các bên liên quan đều có lợi một cách ổn định trong thời gian nhất định. Nhưng dù sao thì có được nó dẫu chưa đủ như thế vẫn hơn không có được thoả thuận nào vào thời điểm hiện tại này.