Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thoái phần vốn Nhà nước tại các Tổng công ty Phát điện

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, với khâu phát điện, thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Tổng công ty Phát điện tiếp tục trực thuộc các Tập đoàn và do các Tập đoàn nắm giữ ít nhất 51% cổ phần.
Các Tổng công ty Phát điện sau khi cổ phần hóa chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện mới được giao theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 Ảnh minh họa
Các Tổng công ty Phát điện xây dựng và thực hiện các đề án nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, sản xuất kinh doanh có lãi, tăng dần tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; khuyến khích các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng đủ điều kiện được quyền tham gia trực tiếp Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm.
Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về phân phối điện - bán lẻ điện, tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của các Tổng công ty Điện lực theo hình thức công ty TNHH MTV do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ; xây dựng cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; thực hiện từng bước tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia tiếp tục thực hiện chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện; xây dựng Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN.
Đổi mới mô hình của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hoạt động của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và nâng cao hiệu quả điều tiết hoạt động điện lực.  
Tiếp tục thoái phần vốn nhà nước tại các Tổng công ty Phát điện
Giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020, tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước tại các Tổng công ty Phát điện xuống dưới mức chi phối và tách các Tổng công ty Phát điện ra khỏi các Tập đoàn sau khi có đánh giá kết quả hoạt động sau 2 năm thực hiện cổ phần hóa, đảm bảo tuân thủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.
Đưa các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT (nhà máy điện BOT) tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cụ thể, đối với nhà máy điện đã ký hợp đồng BOT, khuyến khích nhà máy điện BOT tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; đối với nhà máy điện chưa ký hợp đồng BOT, giảm công suất, sản lượng bao tiêu và tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Triển khai phương án đưa các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; tiếp tục thực hiện tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực để chuẩn bị cho vận hành Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Triển khai thực hiện cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực đáp ứng yêu cầu của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, có tư cách pháp nhân và hạch toán độc lập trong EVN, hoàn thành trước khi Thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành.