Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thoái vốn để phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển

Nha Trang thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk và các DN khác là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Mọi địa chỉ đầu tư đều đã có trong danh mục Quốc hội thông qua.

 Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính.
Giữ thương hiệu do thị trường quyết định

Mới đây, một DN liên quan đến Thái Lan đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phần Sabeco. Việc các DN lớn rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ mất thương hiệu Việt. Ông nói gì về điều này?

- Với thương hiệu truyền thống và lớn mạnh phải tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn. Một thương hiệu quốc gia lớn mạnh phải vượt ra ngoài biên giới, được thế giới thừa nhận. Với sự tham gia của nhà đầu tư lớn, Sabeco có thể mở rộng thị trường ra thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Đây cũng là động lực của Chính phủ khi thoái vốn. Ngoài ra, hiện đã tới lúc Chính phủ rút lui khỏi các lĩnh vực, thành phần kinh tế khác làm được, không thể cứ ôm bia, sữa mãi. Cũng mong trong tương lai các nhà đầu tư Việt Nam lớn mạnh có thể mua lại các thương hiệu này.

Trước khi chào bán, các nhà đầu tư đăng ký tham gia đều phải cam kết giữ lại các thương hiệu Việt. Nhà đầu tư nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ có cơ chế để xử lý. Nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ pháp luật, vì quyền lợi người dân Việt Nam, nhà nước bảo hộ các quyền đó. Nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các quy định đó thì không có lý do gì chúng ta cấm người ta được, cũng không ưu ái gì. Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng việc giữ được thương hiệu hay không còn do thị trường, người dùng quyết định.

Việc bán vốn Nhà nước tại các DN năm 2017 được đánh giá là thành công với số tiền “khủng” sẽ về ngân sách. Vậy số tiền dùng để trả nợ công hay đầu tư cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thưa ông?

- Số tiền thoái vốn theo kế hoạch sẽ đổ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DN Nhà nước (DNNN). Quỹ này được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước với mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề trong cổ phần hóa như lao động dôi dư và các vấn đề khác. Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các DN khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó riêng nguồn từ cổ phần hóa, thoái vốn phải sắp xếp là 250.000 tỷ đồng để phục vụ mục tiêu đầu tư. Mọi địa chỉ đầu tư đều đã có trong danh mục Quốc hội thông qua.

Một DN liên quan đến ThaiBev thành lập DN Việt để mua Sabeco có phải là lách luật hay không, thưa ông?

- Nhà đầu tư Thái đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và DN Việt, nhưng có vốn nước ngoài 49% thì theo Luật Đầu tư vẫn coi như DN Việt Nam. Thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Các Bộ Tư pháp, KH&ĐT, Công an… đều có ý kiến thẩm tra và cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam. Đối với DN bia - sữa, Chính phủ tuyên bố sẽ không nắm, không phân biệt DN sở hữu trong hay ngoài nước.
Sau bia, sữa, sẽ thoái vốn cao su, dầu khí…

Thưa ông, sau thoái vốn tại DN bia, sữa, năm 2018, Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại các “ông lớn” nào?

- Sau thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Vinamilk, năm 2018, theo kế hoạch, chúng ta sẽ tiến hành thoái vốn tại một loạt DN lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN như: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí - PV Power, PVoil; các công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam...
Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ thoái vốn nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn.Ảnh: Minh Hoàng.
Hiện nay, việc thua lỗ tại một số DNNN vẫn phổ biến. Ông có thể đánh giá chung về hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian qua như thế nào?

- Đánh giá hiệu quả DNNN được nêu rõ trong Báo cáo 441, trong đó cơ bản các DN đều có lãi, chỉ một số DN như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ… Năm 2017, do kinh tế phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, chẳng hạn như tập đoàn Than khoáng sản đã lãi cao hơn. Nhìn vào bức tranh tổng thể thấy DNNN hoạt động có lỗ, lãi, song vẫn bảo toàn vốn, đảm bảo hiệu quả.

Thời gian qua, thông tin về hàng loạt “ông lớn” DNNN thua lỗ cùng với việc khởi tố nguyên lãnh đạo Tập đoàn cao su, PVN, liệu có ảnh hưởng gì đến quá trình cổ phần hóa của những DN này?

- Cổ phần hóa không bị ảnh hưởng vì việc các lãnh đạo bị khởi tố. Những vi phạm này từ lâu rồi, xảy ra ở những DN khác, không liên quan đến những DN cổ phần hóa. Chẳng hạn như tại Tập đoàn Cao su, sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn là do cá nhân, tập đoàn đã có thông tin rõ. Cá nhân làm cá nhân chịu. Năm nay, lợi nhuận của Tập đoàn cao su vẫn tốt, nên việc cổ phần hóa vẫn được đảm bảo.

Mới đây đánh giá của Bộ Tài chính đưa ra rằng, quá trình cổ phần hóa vẫn diễn ra khá chậm và không đạt kết quả mong muốn. Vậy, việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN năm 2018 có gì thay đổi để đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn?

- Hiện chúng ta đang thực hiện cổ phần hóa theo hướng thay đổi về chất, tức là lượng vốn giải phóng từ khu vực DNNN phải cao hơn giai đoạn trước. Giai đoạn 2011 – 2015, cổ phần hóa hàng nghìn DN, nhưng số phần vốn bán ra chỉ bình quân 8%. Bây giờ xác định DNNN đã thoái vốn thì phải bán hết. Vừa qua, một số DN đã cổ phần hóa trong 2017 cũng là một cuộc cách mạng, ví dụ như Sabeco, Vinamilk hay các DN của SCIC… tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, khác với năm 2017, các thương vụ lớn sẽ phải phân bổ đều ra cả năm chứ không theo kiểu "đầu năm đủng đỉnh rồi cuối năm chạy tiến độ", làm cho bức tranh điều hành dồn dập, thị trường bị dồn vào một thời điểm và sức nóng sẽ không chỉ dồn vào cuối năm.

Xin cảm ơn ông!