Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời của văn hóa đọc trực tuyến

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa đọc hiện nay không thể đo đếm bằng số lượng đầu sách, số lượng phát hành báo chí, mà bằng sự tiếp cận của độc giả thông qua các ấn phẩm online.

 Ảnh minh họa.

Bạn đọc của báo chí, xuất bản đang ở đâu?
Với tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay, văn hóa đọc dường như đã thay đổi gần như hoàn toàn. Thói quen đọc sách cũng đã khác xưa nhiều. Người ta không còn bắt gặp thường xuyên những người cầm cuốn tiểu thuyết nơi công cộng, đọc trong công viên, bến tàu, nhà ga, trên xe buýt nữa. Hay đến Thư viện Quốc gia cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh phòng tra cứu, phòng đọc sách báo vắng hoe. Nhiều cuốn sách lâu lắm rồi không có người chạm đến. Càng hiếm thấy ai sử dụng cả một ngày để tìm tài liệu, sách báo hay tạp chí.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để báo chí phát triển hơn. Từ khi xuất hiện truyền thông xã hội, báo chí đã thay đổi, nhanh hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, để có chỗ đứng trong lòng độc giả thì nội dung chất lượng vẫn là yếu tố hàng đầu để có người đọc thường xuyên, trung thành. Internet là cuộc cách mạng thông tin và muốn làm chủ thì báo chí không chỉ làm chủ công nghệ mà cả vấn đề nội dung.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Lê Doãn Hợp

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho rằng: Trước đây, người ta có thể đi mua sách về nằm đọc, nghiền ngẫm nhưng bây giờ có nhiều lựa chọn khác như đọc online hay mua sách trực tuyến. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, rõ ràng xu hướng và phương thức xuất bản đã thay đổi, chuyển dịch sang hình thức trực tuyến để đáp ứng nhu cầu độc giả.
Xu hướng số hóa và các ích lợi của phương thức xuất bản điện tử là không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio books, mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video… thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm: Sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (ví dụ bút chấm đọc).
Chấp nhận một thời kỳ đối tượng bạn đọc, thói quen đọc thay đổi là điều không dễ dàng với ngành báo chí, xuất bản. Tuy nhiên, để giữ chân người đọc thì báo chí, xuất bản buộc phải thay đổi phương thức tiếp cận cho phù hợp.
Cùng bắt tay để có người đọc văn minh
Có một thời kỳ dài, các chuyên gia đều nhận định trong thời đại 4.0, ngành báo chí và xuất bản không cạnh tranh được với mạng xã hội. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, công chúng cũng như các chuyên gia đã có những nhận định khác về sức cạnh tranh của báo chí, xuất bản. Giai đoạn đầu của dịch bệnh, vì mục đích câu view, câu like, hàng loạt các chủ fanpage đã đăng tải nhiều thông tin không trung thực, mang tính chất xuyên tạc sự thật, tạo ra các tin giả gây hoang mang dư luận. Bên cạnh việc xử phạt của các cơ quan quản lý, bạn đọc cũng dần cảnh giác với tin tức từ mạng xã hội. Báo chí chính thống được lựa chọn tin đọc. Song, duy trì được sự tin đọc của độc giả được bao lâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự điều tiết của các cơ quan quản lý báo chí xuất bản trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng theo ông Đỗ Quý Doãn, mỗi người đọc, nhà quản lý phải có cơ chế miễn dịch với những thông tin xấu, độc và tận dụng được lợi ích, lợi thế từ môi trường mạng xã hội, điều hướng nó, xem như nó là công cụ tốt để phát triển xã hội. Sự tương tác và phản biện chính là điều kiện để phát triển. Bởi thế, mạng xã hội và báo chí, xuất bản sẽ hợp tác với nhau chứ không phải cạnh tranh và hai lĩnh vực này sẽ hỗ trợ nhau để tìm ra phương thức của sự phát triển.
Muốn có độc giả, nội dung của báo chí và xuất bản cũng phải phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu của thị trường. Bởi hiển nhiên mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau để lựa chọn đầu sách, báo phù hợp. Việc của những người làm báo, làm xuất bản là phải đáp ứng được những nhu cầu đó, đồng thời giám sát và phản biện xã hội giúp cho Đảng, Nhà nước có những định hướng chính sách tốt. Ngoài ra, để có nền báo chí và xuất bản phát triển lành mạnh, cần có những người đọc văn minh, định hướng cho họ có những lựa chọn, thái độ đúng đắn trước thông tin của mạng xã hội và tri thức của sách.