Trong số những nguyên do ấy, việc kỷ niệm 40 năm ngày hai nước ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác chỉ là một và không phải chính. Từ năm 2011 đến nay mới lại có một Thủ tướng Nhật Bản tới thăm Trung Quốc và đây cũng là lần đầu tiên ông Abe tới thăm Trung Quốc ở thời ông Tập Cận Bình nắm trong tay cương vị Chủ tịch Trung Quốc. Cũng phải nói thêm rằng mãi tới gần đây, Thủ tướng Trung Quốc mới công du Nhật Bản. Quá trình nồng ấm và bình thường trở lại trong quan hệ giữa hai nước láng giềng này ở khu vực Đông Bắc Á diễn ra rất chậm chạp và đầy trắc trở.
Nó không trắc trở, khó khăn sao được khi mối bất hoà, bất đồng quan điểm giữa hai nước đan xen giữa chuyện quá khứ và hiện tại. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với ba hòn đảo và có chuyện Trung Quốc không hài lòng về thái độ nhìn nhận cũng như cách thức xử lý của Nhật Bản trong những chuyện xảy ra ở trong quá khứ lịch sử. Giữa hai nước này có không ít nghi ngại, nghi kỵ và phòng ngừa lẫn nhau vì Nhật Bản là đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ trong khi Trung Quốc và Mỹ luôn xung khắc và cọ xát lợi ích chiến lược. Trung Quốc lại còn không thể bỏ qua ý đồ chiến lược của Nhật Bản là gây dựng và tăng cường vai trò, ảnh hưởng chính trị ở khu vực, châu lục và thế giới, thách thức và ganh đua quyết liệt với Trung Quốc ở nhiều quốc gia và khu vực. Những vướng mắc này rất cơ bản và khó khắc phục. Ông Abe đi Trung Quốc lần này không mang theo ảo tưởng là khắc phục được chúng, nhưng kỳ vọng khởi đầu được thời kỳ quan hệ song phương mới trong điều kiện tình hình các vướng mắc chưa được giải quyết ổn thỏa và lâu bền.Trung Quốc cũng muốn vậy nên mới đón tiếp ông Abe và rồi đây sẽ có cả chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình. Thời cuộc buộc hai nước này giờ phải xích lại gần nhau, để cùng đối phó cuộc xung khắc thương mại với Mỹ và để có vai trò trong chuyện hòa bình, hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Chuyện cũ không quên nhưng chuyện mới đòi hỏi hai bên cần thân thiện lại với nhau.