Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thói quen và ý thức

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hãy cho tôi rác”, “Vui lòng bỏ rác vào thùng”, “Chúng tôi cần rác” là những câu slogan được dán khắp những thùng rác từ bến xe, trường học, bệnh viện, công viên cho tới các điểm vui chơi.

Ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng dường như chuyện vứt rác vào thùng lại ít người làm được. Bởi thế nên cứ vào dịp lễ, nhiều tuyến phố Thủ đô, điểm công cộng lại tràn ngập rác thải sau cuộc vui của mọi người.
Hiện tượng rác thải, trong đó có bao cao su nổi trắng góc hồ Tây mới đây khiến dư luận chưa hết buồn lòng thì ngay trong đêm Trung thu (15/8 âm lịch) vừa qua, nhiều điểm vui chơi của Thủ đô đã biến thành… phố rác. Thành phần tham gia xả rác có đủ, từ già, trẻ, gái, trai... Với nhiều người, vứt rác bừa bãi nơi công cộng như là một hành động rất đỗi bình thường. Họ thản nhiên ném tàn thuốc lá ở hành lang bệnh viện, ném vỏ chai nước xuống đường khi đang ngồi trong xe ô tô, ném vỏ bánh, kẹo ở công viên, xả túi nilon xuống hồ,… Hay những dịp nghỉ lễ, nhiều bãi biển nổi tiếng về du lịch, cảnh du khách tắm chung… với rác không còn là chuyện hiếm. Họ cho rằng, việc thu gom rác, làm sạch TP là nhiệm vụ của công nhân vệ sinh môi trường. Bởi vậy, ở nhiều nơi, những tấm biển “Cấm đổ rác” gần như không có tác dụng, chỗ nào càng cấm thì càng nhiều rác, trong khi các quy định vẫn chỉ nằm trên giấy. Chưa có ai bị phạt vì hành động vứt rác nơi công cộng, có chăng chỉ là những câu nhắc nhở, hay những ánh nhìn của người bên cạnh, hay chia sẻ trên các diễn đàn...
Người dân xả rác ra môi trường, các DN cũng đua nhau xả, hiện tượng đổ trộm phế thải khắp nơi mọi chốn không phải là hiếm, từ vỉa hè, lòng đường, bãi đất trống, sông, hồ, thậm chí là bãi tha ma đều được nhiều đơn vị, DN tận dụng làm nơi đổ rác. Nhiều vụ đổ trộm phế thải đã được dư luận phản ánh, khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì việc đã rồi, xử phạt lại thiếu tính răn đe.
Vì thế, việc vứt rác bừa bãi trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa. Thậm chí, nhiều người còn coi đó là việc bình thường trong cuộc sống. Hậu quả không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống, đến phát triển du lịch mà lớn hơn là làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội văn minh, thanh lịch nói riêng.
Những câu chuyện người nước ngoài xắn tay nhặt rác tại Hà Nội vừa qua đáng suy ngẫm đối với mỗi người dân Hà Nội.