Con số này thật sự đáng báo động với một TP hơn 8 triệu dân. Điều đáng lo là tình trạng không giữ gìn vệ sinh đường phố diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức, nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống ngay nơi mình đứng. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Công viên, nơi được xem là có bầu không khí trong lành, sạch đẹp, giúp con người thư giản, hay chùa chiền, vốn là nơi tôn nghiêm cũng không tránh khỏi hiện tượng này. Bến tàu, nhà ga, kênh rạch đâu đâu cũng có rác. Ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè người ta đổ tất cả đồ ăn dư thừa, nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắt nghẽn. Rồi tình trạng một số bạn trẻ đứng ở các ngã ba, ngã tư đường để phát tờ rơi quảng cáo một cách bừa bãi khiến giấy rác rơi khắp đường phố. Hiện tượng xả rác còn lan sâu vào một tầng lớp trí thức trẻ ngày nay, trong lớp học, sân học, học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang... Trong gia đình, nhiều bà nội trợ khi đi chợ từng lạng thịt, củ hành cũng đựng trong túi nilon. Trẻ con với đống đồ chơi nhựa, nay mua đồ mới, mai vứt đồ cũ thành… rác. Lượng rác vì thế mà cứ chất đầy. Khi không có nơi xả xác, người ta mới giật mình nhìn lại về số lượng xả thải làm ô nhiễm môi trường trong từng việc nhỏ của từng người.
Môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm, không chỉ bởi nguồn tài nguyên đang ngày càng bị khai thác bừa bãi, quá mức, mà vẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, và đặc biệt là sự thiếu ý thức trong việc xả rác bửa bãi của người dân. Để có môi trường xanh, sạch, đẹp người dân nên tạo dựng thói quen giảm lượng rác thải trong mỗi ngày, góp phần vào sự phát triển bền vững.