Thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Trình bày dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sáng ngày 18/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Đến ngày 19/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 405 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; trong đó, 359 ý kiến nhất trí hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 46 văn bản có ý kiến góp ý cụ thể.
 Kết quả biểu quyết.
Kết quả biểu quyết cho thấy: có 446/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Nghị quyết khẳng định: Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Nghị quyết giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.