Thực hiện đầy đủ quyền của người khuyết tật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Ủy ban về quyền của người khuyết tật thuộc Liên hợp quốc đã ra tuyên bố, khẳng định người khuyết tật có đầy đủ các quyền như mọi công dân bình thường khác, trong đó có quyền đưa ra những quyết định liên quan tới cuộc sống của mình.

Trong tuyên bố này, Ủy ban về quyền của người khuyết tật bày tỏ lo ngại trước một thực tế ở nhiều nơi, do không hiểu đúng và đầy đủ về các quyền cơ bản của người khuyết tật, đã dẫn tới tình trạng một số quyền chính đáng của những người kém may mắn này bị xâm hại hoặc tước bỏ, kể cả quyền được mưu cầu hạnh phúc, được xây dựng gia đình riêng.

Ủy ban trên kêu gọi mọi người phải tôn trọng triệt để quyền tự do lựa chọn hạnh phúc riêng của tất cả những người khuyết tật, và ngay cả những người bị bệnh tâm thần, hay có vấn đề về trí não, họ phải được giúp đỡ trong các quyết định liên quan tới hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, không ai được quyền quyết định thay họ, càng không được từ chối, bác bỏ những quyết định liên quan tới lợi ích của những người khuyết tật.
Một người mẫu tàn tật trình diễn tại tuần lễ thời trang. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một người mẫu tàn tật trình diễn tại tuần lễ thời trang. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các chuyên gia của Ủy ban về quyền của người khuyết tật thuộc Liên hợp quốc nhận định rằng những người khuyết tật thường không, hoặc ít quan tâm tới việc thực hiện các quyền cơ bản mà họ được hưởng, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử và quyền hôn nhân gia đình...

Vì vậy, các quốc gia và các cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng các bộ luật để mọi người khuyết tật đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân của mình như những người bình thường khác, dựa trên tinh thần của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật được thông qua hồi tháng 12/2006, có hiệu lực từ tháng 5/2008 và hiện đã có 145 quốc gia phê chuẩn.

Theo thống kê của ủy ban trên, hiện nay trên toàn thế giới có gần 600 triệu người khuyết tật, chiếm gần 10% dân số toàn cầu, song có tới 80% trong số đó đang sinh sống tại các nước đang phát triển.