Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu gom, quản lý hiệu quả đất canh tác chuyển mục đích sử dụng

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về tổ chức thu gom, quản lý, sử dụng có hiệu quả tầng đất canh tác khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu sang đất xây dựng công trình trên địa bàn.

Chỉ thị nêu rõ, để phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, hàng năm, TP phải chuyển bình quân khoảng 2.697ha đất nông nghiệp sang đất xây dựng công trình. Sau khi chuyển mục đích, diện tích đất này không thể phục hồi lại hoặc thay thế bằng diện tích đất khác để sản xuất nông nghiệp.
Với diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang đất xây dựng các công trình nêu trên, nếu không thực hiện việc thu gom, quản lý, tái sử dụng thì hàng năm TP sẽ lãng phí hàng triệu mét khối tầng đất canh tác (hay còn gọi là lớp đất mặt, lớp đất hữu cơ). Đây là nguồn tài nguyên quý, có giá trị kinh tế cao, có mục đích sử dụng phong phú. Việc thu gom, quản lý, đưa vào tái sử dụng tầng đất canh tác không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mang tính xã hội.
Ảnh mang tính chất minh họa.
Ngày 8/11/2016, UBND TP đã có văn bản số 6449/UBND-TKBT chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện việc thu gom, quản lý, lập phương án sử dụng tầng đất canh tác khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang xây dựng các công trình. Tuy nhiên, đến nay, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc, chưa báo cáo UBND TP kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; Nhiều chủ đầu tư khi thực hiện dự án không bóc tách thu gom lớp đất hữu cơ mà san lấp ngay mặt bằng để xây dựng công trình, gây lãng phí tài nguyên.

Để thực hiện nghiêm túc việc thu gom, quản lý, sử dụng có hiệu quả tầng đất canh tác khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang đất xây dựng công trình trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ thị cho Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc xác định nhiệm vụ bóc tách, thu gom, quản lý tầng đất canh tác khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu sang đất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án, các Sở, ngành liên quan và của ƯBND các quận, huyện, thị xã (nơi có đất).

UBND TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã khi thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án có thu hồi đất trồng lúa, hoa màu; khi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hoa màu sang đất xây dựng công trình (đối với các trường hợp Nhà nước không thu hồi đất) phải giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế (thuộc UBND các quận, huyện, thị xã) và Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ trì, phối hợp với Chủ đầu tư điều tra, xác định độ dầy bình quân của tầng đất canh tác đối với đất trồng lúa, hoa màu cần phải bóc tách; xác định khối lượng cần bóc tách, tỷ lệ % bóc tách thu gom được; phương án thu gom, quản lý, bố trí tái sử dụng, trình Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt trước khi làm thủ tục bàn giao đất trên thực địa.

UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các huyện khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện điểm b phần 2 văn bản số 6449/UBND-TKBT ngày 8/11/2016 của UBND TP về việc “Giao UBND các huyện khẩn trương xây dựng phương án tổng thể khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa, đất trồng trọt khác kém hiệu quả, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND TP” báo cáo UBND TP trước ngày 15/6/2017.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đề xuất các dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng lúa, đất trồng trọt khác kém hiệu quả, báo cáo UBND TP.

UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, báo cáo Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP quyết định phê duyệt (trước ngày 15/7/2017) các nội dung như: Định mức kinh tế - kỹ thuật cho công tác bóc tách, thu gom, vận chuyển tầng đất canh tác; Đơn giá quản lý đất hữu cơ tại các bãi chứa tạm thời; Đơn giá bán đất hữu cơ cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án trồng cây xanh, rau, hoa; Đơn giá cho việc khai hoang, phục hóa, cải tạo đất nông nghiệp trong trường hợp tái sử dụng đất hữu cơ. Mức giảm trừ tiền chủ đầụ tư phải nộp theo Quyết định số 4970/QĐ- UBND ngày 2/10/2015 của UBND TP theo từng loại và phương án sử dụng (chuyển về nơi tập kết của TP, về nơi cải tạo đất của địa phương và để trồng cây xanh, công viên tại dự án)…
Độc giả có  thể xem toàn văn Chỉ thị trên TẠI ĐÂY