Năm 2015 nước ta đã và sẽ ký kết một số FTA song phương với EU, với Hàn Quốc, với Nga, Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan và đang đảm phán để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra cơ hội lớn cho đất nước và cho thủ đô trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. 1. Cộng đồng kinh tế ASEAN với FDI Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí phát triển ASEAN thành Cộng đồng ASEAN. Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-Li II) tháng 10/2003, ASEAN hướng đến mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tháng 1/2007 đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN từ 2020 xuống cuối năm 2015. AEC là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hoá, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Cần lưu ý rằng, AEC chưa phải là Cộng đồng kinh tế như Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EU) mà đang tiến tới mục tiêu đó, đòi hỏi hình thành cơ cấu chặt chẽ và được ràng buộc trong một lộ trình hợp lý. Do đó, nước ta với tư cách là quốc gia thành viên có trách nhiệm chủ động đề ra sáng kiến và hành động để đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển AEC, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước để bảo đảm lợi ích quốc gia trong hội nhập khu vực. Ngày 26/02/2009 Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ASEAN Comprehensive Investment Agreement-ACIA) được kí kết vào bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/3/2012 với mục đích thúc đẩy tiến trình xây dựng một khu vực đầu tư tự do, mở cửa, minh bạch và hội nhập trong ASEAN. Hiệp định này tạo ra cơ chế đầu tư cởi mở và tự do trong ASEAN hướng tới mục tiêu cuối cùng về hội nhập kinh tế trong AEC với Dấu ấn AEC (AEC Blueprint), thông qua: (a) Tự do hóa nhanh các cơ chế đầu tư của các Nước Thành viên; (b) Tăng cường cơ chế bảo hộ nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ tại các Nước Thành viên; (c) Tăng cường tính minh bạch và dự đoán trước về nguyên tắc, quy chế, thủ tục đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư giữa các Nước Thành viên; (d) Xúc tiến đầu tư chung trong ASEAN như một khối thống nhất và (e) Hợp tác nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của một Nước Thành viên này tại các Nước Thành viên khác. Hiệp định này nhằm tạo ra môi trường đầu tư tự do, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh trong ASEAN bằng cách tuân thủ những nguyên tắc: (a) Thực hiện tự do hóa đầu tư, bảo vệ và tạo thuận lợi cho các khoản đầu tư; (b) Tạo môi trường đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực;(c) Mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ trong ASEAN; (d) Duy trì và dành cơ chế ưu đãi cho các Nước Thành viên; (e) Không lật lại những cam kết đã nêu trong Hiệp định AIA và IGA của ASEAN; (f) Dành ưu đãi đặc biệt và riêng, cũng như tạo cơ chế linh hoạt riêng cho các Nước Thành viên dựa trên mức độ phát triển cùa mỗi nước và mức độ nhạy cảm cùa từng ngành; (g) Áp dụng cơ chế ưu đãi riêng có đi có lại giữa các Nước Thành viên trong những trường hợp phù hợp và (h) Chấp nhận mở rộng phạm vi của Hiệp định này ra những ngành mới trong tương lai. Hiệp định này áp dụng với những biện pháp được các Nước Thành viên thông qua và áp dụng liên quan đến: (a) Các nhà đầu tư của bất kì Nước Thành viên nào và (b) Các khoản đầu tư của nhà đầu tư của bất kì Nước Thành viên nào trong lãnh thổ của các Nước thành viên ASEAN. Là trung tâm chính tị, trung tâm kinh tế lớn của nước ta, trung tâm giao dịch quốc tế, Hà Nội cần khai thác tốt hơn lợi thế nổi trội so với các tỉnh, thành phố khác để mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các nước ASEAN khi đã hình thành AEC và thực hiện ACIA, đồng thời thu hút nhiều và có hiệu quả hơn FDI từ các nước công nghiệp hàng đầu thế giới. 2. Nhận diện FDI của Hà Nội Đến cuối năm 2014 đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Hà Nội 3169 dự án với vốn đăng ký 26,3 tỷ USD, đứng thứ ba sau TPHCM (37,9 tỷ USD) và Bà Rịa- Vũng Tàu (26,7 tỷ USD), trong đó số vốn đăng ký còn có hiệu lực là 21,7 tỷ USD, vốn thực hiện là 11,3 tỷ USD. FDI chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp 12,6% thu ngân sách, 16,5% GDP của thủ đô. Năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu 5390 triệu USD, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 48,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố, đã có gần 220 nghìn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Khu vực FDI góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố, du nhập nhiều phương thức mới trong sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa, làm thay đổi nếp sống cuả dân cư. Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, ban hành danh mục dự án lớn kêu gọi đầu tư, thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, cải cách thủ tục hành chính, định kỳ tiếp xúc với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh và triển khai dự án, Tuy vậy, thực trạng FDI của thủ đô nảy sinh bốn vấn đề cần lưu ý: 1) Vì sao những năm gần đây FDI vào Hà Nội có xu hướng giảm sút cả về số dự án và vốn đăng ký cũng như chất lượng FDI (?). 7 tháng đầu năm 2015 vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm của Hà Nội Nội là 207 triệu USD, chưa bằng 10% của TPHCM (2424 triệu USD); Hà Nội không có dự án quy mô lớn hàng trăm triệu USD. 2) Vì sao Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng tiếp nhận những dự án công nghệ cao quy mô hàng tỷ USD của SAMSUNG, NOKIA-MICROSOFT, LG, CANON mà không phải là Hà Nội (?). 3) Vì sao Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẩn triển khai chậm chạp sau khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội (?). Chủ trương của thành phố xây dựng một số ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại đã được Chính phủ do Ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng ủng hộ bằng việc thành lập Khu công nghệ cao Hòa Lạc được khai trương vào năm 1998, cùng với dự án Khu Đại học quốc gia và Đại lộ Thăng Long nối trung tâm thành phố với hai dự án quan trọng đó, nhằm mục tiêu tạo ra động lực mới cho hoạt động khoa học và công nghệ bằng các dự án lớn công nghệ cao, vườn ươm khoa học, chợ công nghệ, thành phố của các nhà khoa học. 17 năm từ khi khai trương đến nay chỉ thu hút được một số dự án trong nước là chủ yếu, chưa giải phóng xong mặt bằng, cũng không biết đến bao giờ mới hoàn thiện được khu công nghệ cao này. Tất nhiên đây không phải thuộc trách nhiệm riêng của Hà Nội vì Khu công nghệ cao Hòa Lạc do Bộ KH&CN chỉ đạo; nhưng từ năm 2008 Hà Tây đã thống nhất vào Hà Nội tưởng có cơ hội để đẩy nhanh tốc độ nhưng có vẻ như không thay đổi nhiều; trong khi Khu công nghệ cao TP.HCM được thành lập sau thì đến nay đã thu được kết quả tốt hơn. 4) Vì sao tác động lan tỏa của FDI đối với doanh nghiệp trong nước chưa được như mong đợi (?). Làm gì để phát triển công nghiệp hổ trợ của Hà Nội nhằm tăng thêm giá trị gia tăng của doanh nghiệp FDI và để doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu (?). Tìm đúng nguyên nhân của bốn vấn đề đó sẽ có giải pháp để Hà Nội thu hút FDI nhiều hơn và có hiệu quả hơn trong giai đoạn mới. 3. Định hướng và giải pháp Hà Nội năm 2015 đã có diện mạo mới, hiện đại hơn, phát triển hơn cách đây một thập niên, cung bậc mới của quá trình phát triển đòi hỏi điều chỉnh định hướng phát triển để thích ứng với giai đoạn mới. Hà Nội đã có tiềm lực kinh tế lớn hơn, năm 2015 GDP khoảng 27,6 tỷ USD, GDP/người 3600 USD, bằng 1,8 lần năm 2011. Trên đất Hà Nội các tập đoàn lớn nhà nước, tư nhân và hàng chục vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động và ngày càng phát triển. Do vậy để thu hút có hiệu quả FDI trong giai đoạn mới thì trước hết và quan trọng nhất là năng lực nội sinh của thủ đô phải đươc phát triển theo hướng đổi mới toàn diện như chủ trương của thành ủy đề ra tại Dự thảo Báo cáo của BCH Đảng bộ thành phố khóa XV trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI. Đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động phải trở thành công việc hàng ngày của các cấp chính quyền thành phố để thích ứng với thời đại. Hà Nội là nơi làm việc của hàng vạn nhà khoa học tại hàng chục viện nghiên cứu đầu ngành với phương tiện ngày càng hiện đại, có sự hợp tác với các tổ chức khoa học nhiều nước, do vậy Hà Nội cần sớm hình thành thị trường khoa học và công nghệ được trang bị hiện đại và được vận hành với phương thức giao dịch tiền tiến để các sáng chế, phát minh của các nhà khoa học được bán cho doanh nghiệp, tổ chức trong cả vùng, đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng hiện đại và hiệu quả hơn. Hà Nội có nhiều trường đại học, cao đẳng với thâm niên trên 50 năm như Đại học Bách khoa, Nông nghiệp, Kinh tế quốc dân, Y, Dược, Tổng hợp, Ngoại ngữ, Thương mại, Ngoại thương… có đội ngũ giáo viên trình độ cao, trong đó có nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, do đó cần khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có và đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục để chuyển hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đòi hỏi kỷ năng cao thay thế dần đầu tư thâm dụng lao động và vốn, Hà Nội có điều kiện tốt hơn nhiều địa phương trong việc xây dựng “chính quyền điện tử”, dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, công khai, minh bạch chính sách, quy định đối với doanh nghiệp và người dân, thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Thu hút FDI vào Hà Nội đặt trong điều kiện phát huy tối đa nội lực mới có thể đề ra được định hướng và chính sách thích hợp, không chỉ để huy động vốn đầu tư, mà quan trọng hơn là để thực hiện mô hình tăng trưởng mới, lấy công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao làm chổ dựa vững chắc. Trên cơ sở khai thác tối đa nội lực, Hà Nội cần chuyển nhanh và có hiệu quả hơn theo hướng nâng cao chất lượng FDI, kết nối doanh nghiệp FDI nhất là TNCs hàng đầu thế giới với doanh nghiệp trong nước để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bằng hệ thống sáu giải pháp chủ yếu: 1) Tận dụng lợi thế nổi trội của thủ đô để khai thác có hiệu quả các quy định tại Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) nhằm thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng từ các Nước Thành viên ASEAN thực hiện những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế trên địa bàn thủ đô tranh thủ cơ hội mới khi thực hiện ACIA để mở rộng đầu tư ra các Nước Thành viên ASEAN. 2) Chủ động đề ra các giải pháp hữu hiệu để đối phó với thách thức mới khi thực hiện AEC và ACIA, không gây ra những xáo trộn trong việc hình thành thị trường đầu tư chung, không bị động đối với việc tự do di chuyển vốn đầu tư vào những dự án thủ đô không khuyến khích FDI, di chuyển lao động có tay nghề từ các Nước Thành viên khác vào thủ đô trong điều kiện hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng chưa có việc làm. 3) Chủ động trong việc lựa chọn và tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng từ những nước công nghiệp phát triển trong điều kiện thuận lợi mới khi Việt Nam đã ký và thực hiện FTA song phương với nhiều quốc gia phát triển, dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hài hòa thủ tục hải quan không những mở rộng quan hệ thương mại, mà còn khuyến khích mở rộng FDI. 4) Chủ động cân nhắc việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với dự án đầu tư trên địa bàn thủ đô theo hướng ưu tiên doanh nghiệp trong nước nếu có điều kiện thực hiện dự án và bảo đảm chất lượng và hiệu quả của dự án; khuyến khích hình thức liên doanh đối với một số dự án FDI cần có sự tham giá của doanh nghiệp trong nước để thực hiện chuyển giao công nghệ, kỷ năng quản trị doanh nghiệp và tham gia chuối giá trị sản phẩm. 5) Đổi mới nhanh hơn và đồng bộ hơn hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận chiến lược đầu tư toàn cầu của TNCs hàng đầu thế giới và sự thay đổi định hướng đầu tư của TNCs để lựa chọn đúng đối tác cho từng dự án FDI theo định hướng mới; thông qua mạng internet cung cấp thông tin cập nhật theo yêu cầu của nhà đầu tư, theo đuổi từng nhà đầu tư từ buổi tiếp xúc ban đầu cho đến khi làm thủ tục đăng ký dự án đầu tư và triển khai thực hiện dự án. 6) Hà Nội cần phấn đấu để trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách nền hành chính quốc gia, cấu trúc lại bộ máy nhà nước theo hướng nâng cao hiệu năng quản lý với đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ ngang tầm với thủ đô các nước phát tiển trong ASEAN. Trong một thế giới đầy biến động, những quốc gia láng giềng trong đó có Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối phó với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh phức tạp thì Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế đánh giá là quốc gia ổn định chính trị, an ninh xã hội, an toàn kinh doanh và sinh sống, Chính phủ Việt Nam nhất quán chủ trương khuyến khích FDI, đang làm những việc cần thiết để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn với thể chế kinh tế và thủ tục hành chính tiếp cận thông lệ tốt nhất của thế giới; trong bối cảnh Việt Nam cùng với các Nước Thành viên ASEAN tiến tói AEC và thực hiện Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), hội nhập sâu rộng với thế giới thì thủ đô cần khai thác tốt hơn nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn FDI vào công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở y tế để thực hiện mục tiêu xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp./.