Theo số liệu từ Bộ Tài chính tổng thu NSNN tháng 2/2022 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73,8% số thu tháng 1; thu từ dầu thô ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế thu NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: Thu nội địa ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,2% dự toán, tăng 4,9%). Riêng thu từ dầu thô ước đạt xấp xỉ 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá bình quân 2 tháng đạt khoảng 83 USD/thùng, tăng 23 USD/thùng so dự toán, tăng 59,7% so cùng kỳ năm 2021; sản lượng ước 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% kế hoạch, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Lũy kế thu 2 tháng ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng 29,4% so cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 69,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán.
Về tổng chi cân đối NSNN tháng 2 ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 2 tháng đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, mặc dù tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ đạt 8,5% dự toán Quốc hội quyết định. Do trong 2 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao, kết hợp với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; chi trả nợ lãi ước đạt gần 20,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán, giảm 4,3%; chi thường xuyên ước đạt 163,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2021.
Các nhiệm vụ chi NSNN trong 2 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho phòng, chống dịch Covid-19, chi trả kịp thời các khoản an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vui đón Tết cổ truyền. Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2022 bổ sung cho các địa phương 767 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển 2 tháng đầu năm đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, đạt 5,09%), trong đó vốn trong nước đạt 9,22% (cao hơn cùng kỳ năm 2021, đạt 5,68%, vốn ngoài nước đạt 0,20% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ năm 2021, đạt 0,38%).
Có 7 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%). Tuy nhiên, có 47/52 Bộ và 24/63 địa phương có tỷ lệ đạt dưới mức bình quân chung của cả năm (8%), trong đó có 39 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 32,46 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 16,17 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.