Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ: Không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly ở TP Hồ Chí Minh

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm tra công tác chống dịch sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải sắp xếp các khu cách ly sao cho tối đa mỗi phòng 2 người, lý tưởng là một người, và đặc biệt phải có nhà vệ sinh riêng, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Sáng 26/6, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phong tỏa, cách ly cần có lực lượng công an, quân đội hỗ trợ, tránh lây nhiễm ở khu cách ly cũng như người trốn khu cách ly ra bên ngoài mua đồ ăn rồi lây cho cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu công tác cách ly phải đảm bảo 24/24 giờ, người trong khu cách ly phải ở trong phòng, không qua phòng bên cạnh, dứt khoát phải đảm bảo vệ sinh, cách ly triệt để.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra khu cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sáng 26/6
Thủ tướng cũng dẫn chứng lại bài học ở Bắc Giang, mặc dù cách ly từng phòng nhưng sử dụng chung nhà tắm dẫn đến lây nhiễm chéo.
Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm ở các tỉnh khác, không để sơ hở trong khu cách ly, khu phong tỏa. “Trong khu phong tỏa mà giao lưu, gặp gỡ thì sẽ tiếp tục lây chéo” - Thủ tướng nói.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng TP Hồ Chí Minh không nhất thiết phải đặt nặng việc xét nghiệm RT-PCR mà cần dùng test nhanh. Ông gợi ý thực hiện test nhanh 3-5 ngày/lần và đến ngày thứ 14 mới làm xét nghiệm PCR để khẳng định. "Không nhất thiết phải quá mất công sức vào PCR" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đồng tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã đến thăm khu sản xuất test nhanh của Việt Nam. Chất lượng test nhanh này tương đương hàng nhập khẩu, giá chỉ bằng 1/3.
"Mỗi ngày sản xuất khoảng 10.000 thì nâng lên 120.000, rồi nâng lên 150.000. Như vậy, một tháng sản xuất được khoảng 4,5 triệu. Đề nghị chuyển test nhanh từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh ngay" - Thủ tướng nói với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Y tế lập tức đề nghị hàng không Việt Nam vận chuyển ngay test nhanh vào TP Hồ Chí Minh
"Có bao nhiêu tập trung cho TP Hồ Chí Minh bấy nhiêu" - Thủ tướng chỉ đạo.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị sản xuất vaccine Nano Covax - vaccine của Việt Nam); Công ty Nissei Electric Vietnam (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức).
Việc sản xuất được vaccine trong nước, theo Thủ tướng đồng thời giảm giá thành vận chuyển và sẽ hoàn toàn chủ động. Để có vaccine, phải đi bằng nhiều hướng. Và không chỉ là vaccine ngừa Covid-19 mà còn nhiều loại vaccine khác.
Thủ tướng nhấn mạnh, sản xuất vaccine là quá trình xây dựng nền tảng, đầu tư về con người, cơ sở vật chất và công nghệ.
"Cuộc làm việc hôm nay là tận mắt chứng kiến nơi sản xuất, và kiểm tra về tiến độ, năng lực sản xuất của công ty để đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước" - Thủ tướng nói, và khẳng định cần có kế hoạch, lộ trình làm việc với WHO để làm sao sớm nhất đáp ứng nhu cầu vaccine, có được vaccine với tinh thần thần tốc, nhanh nhất có thể.
Chiều cùng ngày (26/6), Thủ tướng sẽ có buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng vào làm việc với TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 đã xuất hiện hơn một tháng. Dù thành phố liên tục nâng các biện pháp giãn cách nhưng số ca nhiễm vẫn tăng. Ngày 26/6, TP ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục với 667 ca, hầu hết ở trong khu cách ly, phong tỏa.
Hiện, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 2 (tính từ 16/6). Ngày 1/7, TP Hồ Chí Minh sẽ phải đưa ra quyết định về phương án giãn cách tiếp theo.
Đợt tiêm chủng vaccine lớn nhất lịch sử tại TP Hồ Chí Minh với kế hoạch tiêm trên 800.000 liều vaccine trong 7 ngày, dự kiến kết thúc vào 26/6. Tính đến hết 24/6, TP đã tiêm được hơn 400.000 liều vaccine.