Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Đồng hành, hợp tác cùng phát triển bền vững

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến, xây dựng chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm hoàn thiện đầy đủ các công cụ thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến, xây dựng chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm hoàn thiện đầy đủ các công cụ thực hiện.

Duy trì nguồn cung ứng điện, đẩy nhanh thủ tục trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng

Tại Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đề xuất với Chính phủ các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên. Ảnh VGP

Diễn đàn đã nghe các tham luận của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như BritCham, AmCham, KoCham, JCCI, EuroCham… đánh giá các tiềm năng, cơ hội hợp tác to lớn tại thị trường Việt Nam. Đồng thời khuyến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam những giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) Hong Sun, chia sẻ, trong thời gian từ tháng 6-7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc ...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện. Một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.

Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng hiện tượng thiếu điện như vậy là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.

"Đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định"- đại diện Kocham kiến nghị.

Đây cũng là khuyến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) gửi tới VBF 2024, sau khi tập hợp ý kiến từ doanh nghiệp hội viên. Đại diện JCCI cho biết, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng.

Phó Chủ tịch kiêm trưởng ban pháp chế của JCCI Muto Shiro kiến nghị về thủ tục hành chính. Mặc dù Hội đồng cố vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã xác định các vấn đề và thực hiện nhiều cải cách khác nhau như đơn giản hóa luật và các quy định, số hóa thủ tục hành chính, nhưng JCCI vẫn mong muốn được thấy nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Chẳng hạn, trong các lĩnh vực kỹ thuật số như chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, mặc dù tiến độ phát triển các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo là đáng chú ý, nhưng một số doanh nghiệp hội viên vẫn lo ngại sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại Việt Nam do việc chậm cấp giấy phép kinh doanh cho chuyển đổi số như Thương mại điện tử.

"Chúng tôi tin rằng việc cấp giấy phép kinh doanh nhanh chóng sẽ giúp tạo dựng hoạt động kinh doanh bằng cách sử dụng những công nghệ tiên tiến này" - ông Muto Shiro khẳng định.

Ngoài ra, trong phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, như các dự án xây dựng nhà máy điện, phát triển đô thị, có những trường hợp phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành thủ tục do chậm trễ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp các giấy phép liên quan, dẫn đến chậm trễ trong dự án cơ sở hạ tầng.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự Diễn đàn. Ảnh VGP
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự Diễn đàn. Ảnh VGP

Nêu quan điểm, JCCI nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có thể được đẩy nhanh bằng cách đẩy nhanh quá trình kiểm tra và cấp giấy phép cần thiết.

Môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện tốt nhất thông qua các biện pháp tăng năng suất, dỡ bỏ rào cản kỹ thuật và điều kiện kinh doanh, giảm thiểu chi phí không cần thiết.

"Việc giảm bớt sự phức tạp trong kinh doanh cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam” - ông Joseph Uddo - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhấn mạnh.

“3 cùng”, 3 "đẩy mạnh", 3 "bảo đảm"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các nội dung thảo luận, trao đổi của các đại biểu, đã nêu lên mặt được, chưa được; những nội dung cần khắc phục, nguyên nhân chủ quan, khách quan, đồng thời đưa ra giải pháp để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và thúc đẩy tăng tưởng xanh nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động để phát triển kinh tế nói chung, tăng trưởng xanh nói riêng; và cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Trước bối cảnh phát triển kinh tế xã hội trên thế giới và trong khu vực hiện khó khăn, thách thức còn lớn hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chính phủ không chủ quan, lơ là, thoả mãn những gì đã đạt được; luôn luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân, các đối tác để cùng làm, cùng hưởng, cùng bảo vệ môi trường hoà bình, hợp tác phát triển trên thế giới cũng như khu vực.”

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, khu vực đầu tư FDI là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách trong nước. Các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn, công nghệ cao, hiện đại đã và đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam tốt hơn.

Về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi số, Việt Nam luôn xác định đây là hai yếu tố cốt lõi, là hai mặt song song thực hiện. Quá trình thực hiện sẽ huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái tuần toàn, chuyển đổi số…

Thủ tướng kêu gọi, cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện 3 "đẩy mạnh": đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tham vấn chính sách cho Việt Nam; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các dự án có tính lan toả, xoay chuyển tình thế; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành trụ cột.

Về phía Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện 3 "bảo đảm": bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, để ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và xu thế lớn của thời đại; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài; bảo đảm ổn định về năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và bảo đảm hệ sinh thái về chuyển đổi xanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng thời nhấn mạnh về 3 khâu đột phá sẽ thực hiện trong thời gian tới về thể chế, hạ tầng và cải cách hành chính, đào tạo nguồn lực chất lượng cao. Cùng với đó là 3 công tác sẽ tăng cường thực hiện, gồm tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với chính phủ, các cấp chính quyền; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.