Thủ tướng Đức và cơ hội cuối cùng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức tiến hành vòng đàm phán mới kéo dài 5 ngày với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhằm tìm cách chấm dứt bế tắc chính trị.

Hơn 3 tháng sau cuộc bầu cử Hạ viện, Đức vẫn chưa có chính phủ mới. Nhiều người xem cuộc đàm phán giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và Đảng SPD là cơ hội cuối cùng để hình thành một liên minh ổn định.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Phát biểu với báo giới trước khi bước vào vòng đàm phán với đảng SPD, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, mặc dù còn rất nhiều công việc trong những ngày tới, song các bên đã sẵn sàng đối mặt và đem lại một kết quả tốt đẹp. Theo bà, các đảng sẽ làm việc một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để hoàn tất vòng đàm phán. Hiện tại, các đồng minh của Đức ở Liên minh châu Âu (EU), như Pháp, xem Đức như một trụ cột của sự ổn định trong khối EU và hy vọng bà Merkel sẽ thành công.

15 vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc đàm phán mang tính then chốt này, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài chính, thuế, kinh doanh, năng lượng, gia đình, người di cư, hội nhập. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, vấn đề cắt giảm thuế và bãi bỏ thuế “đoàn kết”, vốn được áp dụng nhằm hỗ trợ các bang nghèo ở phía Đông sau thời điểm nước Đức thống nhất vào năm 1990, có thể gây thêm khó khăn trong việc đàm phán thành lập Chính phủ với đảng SPD. 

Theo một thăm dò dư luận mới đây, cuộc đàm phán lần này nhiều khả năng sẽ thất bại, mặc dù 54% người được hỏi cho rằng, một liên minh giữa các đảng chính trị lớn được hồi sinh sẽ có tính chất tích cực với nước Đức và rằng có tới 70% người được khảo sát nói rằng, bà Merkel là dấu hiệu cho thấy sự ổn định của nước Đức. Tuy nhiên, cũng có tới 75% cho rằng, CDU cần phải có một sự đổi mới, trong khi 67% nói rằng thời hoàng kim của bà Merkel đã qua.

Nếu các cuộc đàm phán lần này thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước lễ Phục sinh. Nhưng trong trường hợp ngược lại, nước Đức sẽ phải đối mặt các cuộc bầu cử mới hoặc lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II sẽ được điều hành bởi một chính phủ thiểu số.