Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần sớm có giải pháp để ổn định cuộc sống người dân

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân.

Chiều 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 9 với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Đà Nẵng.
 Quang cảnh cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là bàn biện pháp thiết thực để xử lý tình hình khi mà thiệt hại về người và tài sản rất lớn, vẫn còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Cảnh “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường.
Thủ tướng đặt vấn đề: Trước tình hình bão lũ lớn như thế, địa chất công trình thay đổi thì về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, cuộc họp cần thảo luận về huy động các nguồn lực cần thiết, hệ thống chính trị vào cuộc, để làm sao sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Báo cáo về tổng hợp tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua. Bão số 9 đi nhanh, thời gian đổ bộ vào đất liền từ lúc ở Biển Đông chưa đến 40 tiếng, song cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ. Chính vì vậy, đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra”.
Với sức tàn phá của cơn bão có cường độ rất mạnh và thời gian lưu bão dài 6 đến 7 tiếng, mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, nhưng cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn cho nhiều địa phương.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo về tình hình tiếp cận tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở tại Nam Trà Mi và Phước Sơn.(Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Tính đến ngày 31/10, bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm 29 người chết, 51 người mất liên lạc. Riêng tại Quảng Nam có 45 người bị chết và mất tích do sạt lở đất; 727 nhà sập hoàn toàn; 176.797 nhà ở bị hư hỏng. Theo số liệu các tỉnh báo cáo thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.
Hiện tại, công tác cứu nạn cứu hộ vẫn đang được tích cực triển khai. Trong đó, đối với sự cố 2 tàu Bình Định, ngay sau khi nhận được tin báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cao nhất cho công tác tìm kiếm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các lực lượng đã điều động 3 tàu kiểm ngư, 2 tàu hải quân, 2 thủy phi cơ tiếp cận 1 tàu và cứu được 14 ngư dân. Còn 2 tàu với 23 ngư dân vẫn đang mất liên lạc.
Với sự cố sạt lở ở Quảng Nam, ngay sau khi nhận được tin báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ huy tiền phương và lãnh đạo tỉnh, Quân khu 5 và toàn bộ lực lượng quân đội trên địa bàn để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng triển khai. Đồng thời thành lập sở chỉ huy tiền phương tại hiện trường do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Đến nay đã thông đường và có 532 cán bộ chiến sĩ, 3 chó nghiệp vụ cùng xe máy, thiết bị đang tập kết để tìm kiếm người mất tích.
Ngoài ra, các địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo lực lượng hỗ trợ dân sơ tán quay lại nhà ở an toàn; chỉ đạo tổng lực các lực lượng của địa phương, lực lượng vũ trang để ứng phó hỗ trợ dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường; sửa chữa khẩn cấp hệ thống điện và đóng điện trở lại.
Sau khi bão đi qua, các địa phương gồm: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định đề xuất được hỗ trợ trước mắt 2.500 tấn gạo; 6 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, BÌnh Định, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Kon Tum đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ với tổng kinh phí 800 tỷ đồng cùng thuốc lọc nước, vắc xin và hóa chất khử trùng để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.