Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp trong 2 ngày 17 - 18/4 tại Florida, Mỹ. Ông Donald Trump đang nóng lòng muốn xoa dịu nông dân Mỹ khi hàng nông sản của nước này bị đe dọa áp thuế từ những quốc gia bị Mỹ dọa đánh thuế nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh nước Mỹ đang tiến gần hơn đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay, Nhà Trắng đối mặt với áp lực lớn từ những tập đoàn nông nghiệp mong muốn ký một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp năm 2017. |
Trước cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump bóng gió rằng, Nhật Bản đã gây khó khăn cho Mỹ về thương mại trong nhiều năm. Theo một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, nước này vẫn còn quan ngại với tình trạng mất cân bằng thương mại song phương với Nhật, ước tính khoản thặng dư gần 70 tỷ USD vào năm ngoái. Washington liên tục yêu cầu Tokyo ngồi vào bàn đàm phán, một quan chức văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết, điều này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xem xét khả năng tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Động thái này cũng được xem là một trong những lời hứa hẹn có tính chiến lược phổ biến nhất của Tổng thống Mỹ nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ các cử tri vùng Trung Tây Mỹ, nơi tập trung các bang sản xuất nông nghiệp. Bởi hiện nay, phiên bản sửa đổi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giảm thuế Nhật Bản đánh lên thịt bò Australia xuống 9% trong khi Mỹ vẫn phải chịu khoản thuế 38,5%, khiến các ông chủ sản xuất thịt bò của Mỹ gặp bất lợi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự định đề xuất một khung mới cho các cuộc đàm phán thương mại khi ông gặp Donald Trump, với hy vọng thúc giục Tổng thống Mỹ quay trở lại CPTPP. Với các cuộc đàm phán mới, Nhật Bản sẽ nhằm đưa Mỹ trở lại TPP, nhưng các chuyên gia nhận định, Washington có thể sử dụng điều này để đẩy nhanh Tokyo đến gần một hiệp định song phương. Mỹ đã có thỏa thuận song phương với 6 trong số 11 quốc gia trong TPP và đang làm việc để tiến tới một thỏa thuận với quốc gia lớn nhất trong hiệp định là Nhật Bản.
Ngoài ra, một vấn đề ưu tiên hợp tác giữa 2 nước là việc giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Do vậy, cuộc gặp lần này sẽ đặt gánh nặng nhiều hơn lên vai Thủ tướng Abe khi phải giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc. Thủ tướng Nhật từng là nhà lãnh đạo đầu tiên diện kiến ông Trump sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ. Vì vậy, với gánh nặng nhiều hơn, cuộc gặp lần này cũng sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nhà lãnh đạo.