Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông nghiệp “vượt cơn gió ngược”, chuyển đổi mạnh mẽ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- "Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá, tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành”-Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành NN&PTNT tổ chức chiều 3/1.

Nông nghiệp được mùa, được giá

Chúc mừng thành công của toàn ngành NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong sản xuất, chế biến nông sản” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản có đóng góp quan trọng, góp phần ổn định đời sống của người dân.

“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế” - Thủ tướng nói về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành nông nghiệp.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp từ 3,5 - 4%

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ NN&PTNT cần đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,5 - 4,0% trong năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên. 

 

Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng mong muốn ngành nông nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức "biến không thành có, biến khó thành dễ", bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ với 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT ổn định tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu quả. Tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, coi đây là động lực cho xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái.

Ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy hoạch; phân cấp, phân quyền. Đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, gắn với chuyển đổi số, kinh tế số, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nghiên cứu cơ chế, chính sách để khuyến khích cơ giới hóa, tự động hóa, chế biến sâu phát triển...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần làm tốt công tác dự báo, cung cầu, thông tin thị trường; triển khai thực hiện hiệu quả các FTAs, đồng thời mở rộng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế biển; tăng cường bảo vệ phát triển rừng; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh hội nhập hợp tác quốc tế.

Đối với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ khung trời, cửa biển, bàn tay, khối óc, chủ động, tích cực. Phối hợp chặt chẽ cùng Bộ NN&PTNT để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.