Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng ủng hộ một Thoả thuận mới khẩn cấp về thiên nhiên và con người

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/9, trước kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74 diễn ra tại New York tháng 9 này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, cùng với các nhà lãnh đạo trên toàn cầu, đã lên tiếng ủng hộ sự ra đời của một bản thảo thuận mới khẩn cấp về con người và thiên nhiên.

Phiên họp của Đại Hội đồng, diễn ra thường niên vào tháng 9 tại Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại New York, là nơi các nhà lãnh đạo trên toàn cầu cùng nhau tụ họp để thảo luận những vấn đề quan trọng nhất mà hành tinh chúng ta đang phải đối mặt.
Trong một đoạn phim ngắn chiếu tại sự kiện “Các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người”, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, thành viên các hoàng gia, lãnh đạo doanh nghiệp và những cá nhân có ảnh hưởng trên toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển”.
Hành tinh của chúng ta đang trong thời kỳ khủng hoảng. Kể từ năm 1970, quần thể các loài hoang dã đã giảm khoảng 60%. Trong khi đó, tác động của con người và sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Những hậu quả con người đang phải hứng chịu từ thiên nhiên đó là lũ lụt, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Các bằng chứng khoa học cảnh báo rằng, nếu không có những hành động khẩn cấp, những hậu quả này sẽ ngày càng xấu đi.
Trong năm 2020, nhiều hiệp ước quốc tế - bao gồm: Mục tiêu phát triển bền vững, Công ước tự nhiên và Hiệp định khí hậu – sẽ được đàm phán lại. Đây chính là thời khắc quan trọng để các nhà lãnh đạo trên thế giới coi phát triển bền vững là trọng tâm của phát triển chính trị, kinh tế và xã hội. WWF và các tổ chức khác kêu gọi hình thành một thoả thuận mới cho thiên nhiên và con người trong đó mọi nỗ lực sẽ tập trung vào đảm bảo an toàn cho tương lai của nhân loại.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu – một yếu tố khiến cho các mối đe doạ đối với môi trường Việt Nam như mất sinh cảnh, mất đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên không bền vững, v.v ngày càng trầm trọng. Những tác động của biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ nét như hiện nay như cháy rừng, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trong video, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới: “Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển”.
Sự kiện “Các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người”, được tổ chức bởi WWF và các đối tác vào tối ngày 23/9, nhằm thảo luận về các vấn đề môi trường khẩn cấp mà thế giới đang phải đối mặt và kêu gọi hình thành một bản Tuyên bố khẩn cấp về thiên nhiên và con người vào kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 trong năm sau.
Bản Tuyên bố - được ký bởi các Nguyên thủ quốc gia vào tháng 9 năm 2020 – sẽ thể hiện một cam kết chính trị mạnh mẽ với những mục tiêu tham vọng về khí hậu, đa dạng sinh học, đại dương và các mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2020.