Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến bổ sung quy định theo hướng rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc phối hợp với TPL.
Theo Bộ Tư pháp, sự ra đời của TPL tạo nên cơ chế, mô hình thi hành án dân sự (THADS) mới, bên cạnh cơ quan THADS hiện hành để người dân có sự lựa chọn được dịch vụ pháp lý tốt và hiệu quả nhất trong việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. TPL có quyền xác minh điều kiện THA liên quan đến việc THA mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh, TP nơi đặt văn phòng TPL. Khi thực hiện việc xác minh, TPL có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, TP nơi đặt văn phòng TPL trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.
Thực tế cho thấy, số việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA mà các văn phòng TPL hiện nay nhận được còn rất ít, thậm chí có VP chưa thực hiện được vụ việc nào. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TPL Bùi Trọng Hào - Trưởng Văn phòng TPL quận Hà Đông chia sẻ, TPL chưa nhận được sự phối hợp tích cực, kịp thời từ nhiều cơ quan liên quan. Do gặp khó khăn trong công tác THA, trong năm 2016, VP TPL quận Hà Đông không thụ lý thêm vụ việc phải THA.
Đồng quan điểm, Trưởng Văn phòng TPL quận Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cho rằng, trong 4 công việc được giao cho TPL, THA là công việc khó nhất, cũng bởi pháp luật còn quy định chung chung, chưa rõ ràng. Theo quy định của pháp luật THA, khi trực tiếp tổ chức THA, TPL có quyền như chấp hành viên, nhưng các cơ quan, tổ chức không phải ai cũng biết điều này. Cho rằng TPL không phải người Nhà nước nên họ không có trách nhiệm thực hiện theo các quyết định của TPL.
Để tạo điều kiện cho các văn phòng TPL nâng cao kết quả hoạt động xác minh điều kiện THA trong bối cảnh khó khăn về nhận thức và cơ chế như hiện nay, dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL dự kiến mở rộng thẩm quyền, phạm vi xác minh của TPL như sau: TPL có quyền xác minh điều kiện THA liên quan đến việc THA thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan THADS trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, dự kiến bổ sung quy định về ủy thác xác minh điều kiện THA giữa các văn phòng TPL; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: Công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; cán bộ, công chức cấp xã khác; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng… trong việc hỗ trợ TPL thực hiện xác minh điều kiện THA.
Theo bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), việc xây dựng Nghị định này nằm trong chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ năm 2016 - 2017; trong khi đó, Dự án Luật về TPL nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2017 - 2018. Việc xây dựng Nghị định mới thay thế 2 Nghị định hiện hành quy định về tổ chức và hoạt động của TPL nằm trong kế hoạch và không có nghĩa là dừng không xây dựng Luật về TPL.