Nông thôn đổi mới toàn diện
5 năm qua, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ các hình thái thiên tai và dịch bệnh hoành hành. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của TP, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng bình quân 2,54%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Đáng chú ý, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực. Nông nghiệp ngày một phát triển theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, bền vững và an toàn thực phẩm. Hà Nội đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh hoa - cây cảnh, rau màu, cây ăn quả… cho giá trị kinh tế vượt trội.
Một số mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2020 - 2025 của TP Hà Nội: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 2 – 2,5%/năm. Đến năm 2025, 100% số huyện về đích nông thôn mới, 30% tổng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn TP giảm còn dưới 0,5% vào cuối năm 2025… |
Đặc biệt, toàn TP đã phát triển được 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dù số lượng còn khiêm tốn, quy mô còn nhỏ nhưng các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, tính phù hợp với điều kiện của Thủ đô. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất toàn ngành.
Cùng với phát triển nông nghiệp, trong giai đoạn 2015 – 2020, kết quả xây dựng nông thôn mới của TP là một điểm nhấn tích cực khác. Với tổng vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới hàng năm lên tới 8.000 tỷ đồng, diện mạo nông thôn của Hà Nội đã đổi thay căn bản toàn diện. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp ngày một đồng bộ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống, sản xuất. Đến nay, toàn TP đã có 6 huyện và 355/382 xã về đích nông thôn mới, 13 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước.
Gắn nông thôn mới với phát triển đô thị
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP cho thấy những thay đổi căn bản, toàn diện của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô. Dù vậy, thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển đến nay của khu vực tam nông là chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp đạt được hiện còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành và lao động nông thôn còn chậm. Hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn yếu. Kết quả xây dựng nông thôn mới cũng chưa bền vững ở một số nhóm tiêu chí…
Trong giai đoạn 2020 – 2025, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân tiếp tục là nội dung được Đảng bộ TP quan tâm. Minh chứng là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu phát triển Thủ đô trong 5 năm tới nêu trong Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã nhấn mạnh yêu cầu giảm chênh lệnh mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với quản lý tốt tài nguyên và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, TP đã cụ thể hóa nội dung phát triển tam nông vào tổng hòa 14 nhiệm vụ chủ yếu để tổ chức triển khai trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới được xem là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt.
Theo ông Chu Phú Mỹ, đặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giai đoạn 2020 – 2025, TP cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn theo quy hoạch và tiêu chí đô thị. Phát triển nông thôn mới gắn với định hướng đô thị hóa. Cùng với đó, chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng phát triển sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân.