Thúc đẩy phát triển du lịch phía nam tỉnh Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù có nhiều lợi thế, nhưng du lịch của thị xã Đức Phổ - cửa ngõ phía nam tỉnh Quảng Ngãi- vẫn phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng.

Ngày 17/8, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Ngãi do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn làm trưởng đoàn làm việc với UBND thị xã Đức Phổ để nghe và cho ý kiến về phát triển du lịch tại địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn chủ trì cuộc họp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn chủ trì
cuộc họp.

Thị xã Đức Phổ nằm ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, là vùng đất hội tụ nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia. 

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 30 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh được bảo vệ, xếp hạng; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Di tích Văn hóa Sa Huỳnh.

Những năm qua, thị xã Đức Phổ tích cực thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng du lịch nhằm phục vụ phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung.

Bên cạnh đó, thị xã còn phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động quảng bá, thu hút, phát triển du lịch của địa phương. Tiêu biểu trong năm 2023 là chương trình “Mùa Xuân trên Đầm An Khê” với rất nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ các tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển du lịch của thị xã; đồng thời, thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm từng bước phát triển du lịch của Đức Phổ.

Đáng chú ý, nhiều đại biểu cho rằng, thị xã Đức Phổ vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ như: cơ sở hạ tầng chưa tương xứng, sản phẩm du lịch đơn điệu, việc khai thác, phát huy, thế mạnh của địa phương còn hạn chế, kêu gọi đầu tư chưa đạt kết quả như mong muốn...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, thị xã Đức Phổ là địa phương có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Để phát triển tương xứng, địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng lộ trình cụ thể về phát triển du lịch trong từng năm, từng giai đoạn.

"Đặc biệt là xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học và cả người dân để phát triển du lịch dựa trên những tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn của mình”, ông Tuấn nói.

Làng Gò Cỏ đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.
Làng Gò Cỏ đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, cần tạo điều kiện cho HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ và tổ hợp tác du lịch hoa muối Sa Huỳnh phát triển hơn nữa, trở thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, tạo thương hiệu cho du lịch Đức Phổ. 

Chú trọng phát huy tiềm năng của Di sản Văn hóa Sa Huỳnh, nhất là đầm An Khê để làm du lịch; phối hợp xây dựng Đề án trình UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Sa Huỳnh là Di sản Văn hóa thế giới.

Người dân mưu sinh trên đầm An Khê.
Người dân mưu sinh trên đầm An Khê.

Song song với phát triển du lịch, ông Tuấn yêu cầu thị xã Đức Phổ làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, thu hút du khách.