Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Trọng Tùng - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” tại huyện Hoài Đức, Ứng Hòa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới của huyện Hoài Đức. Ảnh: Trọng Tùng
Sớm hoàn thành đề án đưa huyện Hoài Đức thành quận
Huyện Hoài Đức có xuất phát điểm khá thấp khi bắt tay vào xây dựng NTM. Dù vậy, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chung sức của đông đảo Nhân dân, cuối năm 2016, 19/19 xã của huyện Hoài Đức đã hoàn thành xây dựng NTM. Năm 2017, Hoài Đức được Chính phủ công nhận “Huyện NTM”. Song song với đưa 19 xã về đích NTM, huyện Hoài Đức đặc biệt chú trọng tới nâng cao đời sống cho người dân. Việc triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển đã góp phần nâng cao gấp 2,5 lần thu nhập cho người dân, lên khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến đầu năm 2019 chỉ còn khoảng 0,9%.

Có được những kết quả trên, phải kể tới nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, TP đã hỗ trợ huyện Hoài Đức gần 757 tỷ đồng; địa phương tự cân đối, bố trí gần 4.200 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt, cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được huyện triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả tích cực. Thống kê 10 năm qua, tổng vốn huy động ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình xây dựng NTM lên tới 654 tỷ đồng.

Đánh giá cao những kết quả huyện Hoài Đức đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa còn chậm, chưa tạo đột phá về hiệu quả kinh tế; an toàn thực phẩm làng nghề vẫn còn là mối lo; việc triển khai một số dự án hạ tầng còn chậm so với tiến độ…

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2020 – 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị huyện Hoài Đức tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh một số cây trồng như nhãn chín muộn, phật thủ. Đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú ý bảo đảm phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo Quyết định số 3629 của UBND TP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng nhấn mạnh, Hoài Đức cần tập trung nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các sở ngành để sớm hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận theo chủ trương của TP. Công tác xây dựng NTM nâng cao, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Đức trong thời gian tới đòi hỏi phải có tầm nhìn, đảm bảo đồng bộ với quy mô, cơ cấu chính quyền đô thị và mô hình tổ chức quận.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm

Là một huyện khó khăn, xa trung tâm Thủ đô, huyện Ứng Hòa có xuất phát điểm thấp khi bắt tay vào xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 11 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 13,5%. Kết quả rà soát, hầu hết các xã chỉ đạt bình quân 1 - 3 tiêu chí NTM… Với sự vào cuộc triển khai đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, đến nay, toàn huyện có 19/28 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2019, Ứng Hòa phấn đấu có thêm 5 xã về đích NTM.

Xác định thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã ưu tiên cho đầu tư sở hạ tầng phục phát triển sản xuất. Nhờ đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về tưới tiêu chủ động trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo yêu cầu trong công tác phòng chống thiên tai. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông, điện nông thôn được cải tạo, nâng cấp đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Công tác phát triển văn hóa – xã hội cũng được huyện hết sức chú trọng. Đến nay, toàn huyện đã có 60/90 trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 110/133 thôn có nhà văn hóa thôn; 28/28 xã đã được UBND TP công nhận đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Đáng chú ý, nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao trong sản xuất, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ước năm 2019 đạt 41,0 triệu đồng/người/năm, tăng 30,2 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%, giảm 11% so với đầu năm 2010.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của Ứng Hòa. Mặc dù là huyện nghèo nhưng đã có nhiều cách làm hay trong huy động sức dân xây dựng NTM, với kinh phí ngoài ngân sách lên tới 47%, cao nhất so với các huyện trên địa bàn TP. Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị huyện Ứng Hòa tiếp tục tập trung sản xuất nông nghiệp gắn với cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm phát triển du dịch nông nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xuất khẩu các đặc sản thế mạnh địa phương; quan tâm hơn nữa việc nâng cao tỷ lệ phủ kín nước sạch nông thôn. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu xây dựng NTM, tăng cường quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực như: Vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, quản lý đất đai…