|
Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký cho người dân tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải |
Với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, ngay sau khi TP ban hành, nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền đã được thực thi. Như Đông Anh đã lắp đặt 38 bảng niêm yết tại trụ sở các cơ quan; quận Hoàn Kiếm tổ chức các hội thi gắn với 5 tiêu chí ứng xử của người dân phố cổ… Các đơn vị cũng bổ sung vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị về việc thực Quy tắc ứng xử, đưa kết quả việc thực hiện vào tiêu chí bình xét thi đua hàng năm. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nắm chắc nội dung của Bộ Quy tắc để nghiêm túc thực hiện. Xác định đây là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm tạo sự đột phá về lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, phòng chống các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc. Kết quả cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của TP đã sắp xếp thời gian làm việc khoa học, hiệu quả; có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực với người dân… Qua kiểm tra công vụ, những vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng đã được xử lý ngay.
Với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc tuyên truyền cũng được đẩy mạnh thông qua các cuộc hội họp nơi dân cư, trên hệ thống truyền thông, phát tờ gấp đến từng hộ gia đình…, từ đó tạo ra những kết quả trong thực tế.
Đổi mới tuyên truyềnTuy đã có kết quả tích cực bước đầu, nhưng UBND TP cũng chỉ ra những hạn chế như một số cán bộ, công chức viên chức chưa chấp hành tốt về giờ hành chính, giao tiếp ứng xử với người dân còn chưa thân thiện, gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn chưa được hạn chế.
Cùng với những nguyên nhân khách quan mang tính nhận thức của cá nhân, TP cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan như công tác tuyên truyền Quy tắc ứng xử còn chưa liên tục, vẫn mang tính phong trào, chưa có chiều sâu. Nhiều ý kiến nhận định, năm 2018, cần thay đổi cách thức tuyên truyền qua việc xây dựng kế hoạch quảng bá văn hóa, ứng xử người Hà Nội qua mạng xã hội và các kênh thông tin tuyên truyền khác, tổ chức thi các phóng sự, clip ngắn về nét đẹp và chưa đẹp của Hà Nội… Hình thành được các mô hình điểm từ khu dân cư đến xã phường, quận, huyện, đồng thời tập trung làm trước tại các chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, hay các nơi bến tàu xe, điểm giao thông… Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị.
Để triển khai hiệu quả hơn nữa hai Bộ Quy tắc ứng xử, năm 2018, Hà Nội sẽ phát động phong trào thi đua ký cam kết tổ chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử trong toàn TP đối với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Phiên giải trình của Thường trực HĐND TP cũng sẽ làm rõ nguyên nhân của hạn chế, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy việc triển khai hiệu quả hơn Quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn TP và toàn cộng đồng.