Bước đi căn bản
Hiện với các cơ quan công quyền và cả người dân Hà Nội, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã trở nên quen thuộc. Việc thực hiện các thủ tục qua mạng internet, thanh toán online và nhận kết quả trả đến tận nhà, vừa nhanh chóng, người dân cũng bớt phải đi lại nhiều lần.
Đặc biệt, Hà Nội cũng đã hoàn thành triển khai diện rộng hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp của TP, tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Thống kê cho thấy, hiện TP đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm 55% tổng số các dịch vụ công đang triển khai, trong đó có 916 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Trong lĩnh vực môi trường, Hà Nội cũng đã triển khai hệ thống quan trắc môi trường về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng… cung cấp thông tin cho người dân trên Cổng giao tiếp điện tử của TP.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục triển khai các dịch vụ để phục vụ cho việc quản lý, điều hành của TP như xây hệ thống iParking để quản lý toàn bộ hệ thống chỗ đỗ xe tự động, hay xây dựng hệ thống quản lý điều hành toàn bộ giao thông TP… Lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng, TP đã quyết liệt chỉ đạo để nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng, kết quả thực hiện đến nay trung bình đạt trên 90%.
Những kết quả này chính là bước đi căn bản của TP Hà Nội trong tiến trình hình thành chính quyền điện tử và xây dựng Thành phố thông minh.
Thúc đẩy các giải pháp
Để tiếp tục thúc đẩy việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành trong năm 2019, TP vừa ban hành Kế hoạch số 39. Trong đó, đặt mục tiêu, năm 2019 có 100% UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (giao ban trực tuyến) kết nối với UBND TP và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của TP sẽ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định.
50% các xã, phường, thị trấn có trang, cổng thông tin điện tử trên cổng thông tin của quận, huyện, thị xã. Hà Nội cũng hướng đến có 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính Nhà nước của TP dưới dạng điện tử (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định).
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, TP cũng triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Phát triển công nghiệp CNTT, đảm bảo an toàn thông tin mạng... Từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh: Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội, giao thông và du lịch thông minh.
Đáng chú ý, TP tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng hình thức đào tạo trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức… Cùng với đó, Hà Nội cũng lắp đặt thêm nhiều hệ thống wifi công cộng miễn phí tại các khu di tích lịch sử, làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Với việc tiếp tục triển khai các giải pháp, công nghệ mới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng TP Hà Nội thông minh bền vững.